PHÚC ÂM: Mc 1,29-39
“Đức
Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
29
Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông
Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó,
bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người
về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt
dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ
ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức
Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không
cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu
nguyện ở đó. 36
Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi
người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến
các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để
làm việc đó.” 39
Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ
quỷ.
Suy niệm:
Đi gieo Tin Mừng
Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm
việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa
ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.
Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc
Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng
của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được
công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng
soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người.
Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.
Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu
tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra
khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa
Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng
chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông
Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc
cầm tay phụ nữ có gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay
bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà
còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính
trọng đối với phụ nữ nữa.
Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Mà quỉ luôn muốn giam cầm con người trong
vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc
lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng
con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm.
Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm ky. Nhờ đó con người có
thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước
Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi
đứng và làm việc phục vụ Chúa.
Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên
Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến
nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành
buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là
quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp
với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn
sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện
với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.
Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng,
mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí
Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi
việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành
công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày
cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống
yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể
lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Cầu
nguyện:
Lạy
Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hưỡng dẫn chúng con đi trên đường
của Chúa.
Lẽ sống:
Sống
lạc quan
Năm
1989,một cuộc thi toán quốc tế đã được tổ chức cho các thiếu nhi 13 tuổi thuộc
sáu quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đó cho thấy giỏi toán nhất là các
em Ðại Hàn, kế đó là các em Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ailen, Canada và đội sổ là
các thiếu nhi Hoa Kỳ.
Song
song với cuộc thi toán ấy, người ta cũng làm một cuộc thăm dò với chính các thiếu
nhi cũng thuộc lứa tuổi ấy. Người ta đặt một câu khẳng định như sau: "Tôi
là người giỏi toán". Kết quả cuộc thăm dò cho thấy lạc quan nhất là các trẻ
em Hoa Kỳ và bi quan nhất lại chính là các em Ðại Hàn. Gần 70% các em Hoa Kỳ tự
nhận mình là giỏi toán trong khi đó chỉ có khoảng 20% các em Ðại Hàn tự nhận
mình có thực tài.
Qua cuộc thi toán và thăm
dò trên đây, người ta thấy rằng có thể các thiếu nhi Hoa Kỳ không phải là những
trẻ em giỏi toán, nhưng chúng đã tiếp thu rất kỹ bài học về tính lạc quan do
các thầy cô không ngừng giảng dạy tại trường. Nhiều nhà giáo dục người Mỹ muốn
chứng minh rằng nghiện ngập, chửa hoang, bỏ học và hầu hết các tệ đoan xã hội
khác đều có thể được giảm bớt nếu con người biết sống lạc quan, nghĩa là biết tự
nhận và cảm thấy mình là những con người tốt.
Lạc quan là đức tính cơ
bản nhất để thành công trong cuộc sống. Có tin tưởng nơi chính mình, có tin đời,
có tín nhiệm nơi người khác, người ta mới dám bắt tay vào việc. Ngay cả khi gặp
thất bại, thử thách, người lạc quan cũng không lùi bước, bỏ cuộc.
Trong cuộc sống đức
tin, lạc quan là một trong những nhân đức quan trọng nhất. Người tín hữu lạc
quan là người luôn đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người tín hữu lạc quan
là người không bao giờ thất vọng về chính mình. Người tín hữu lạc quan cũng là
người không bao giờ thất vọng về người khác.
Ðá
tảng để người tín hữu xây dựng sự lạc quan của chính mình là Tình Yêu của Thiên
Chúa, một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán, đo lường và sự tưởng tượng của
con người, một tình yêu thủy chung.
Tình
yêu ấy nói với con người rằng, không có một con người nào đốn mạt, yếu hèn, xấu
xa đến nỗi Thiên Chúa đành phải bó tay.
Tình
yêu ấy nói với con người rằng, nơi nào có tội lỗi và phản bội càng nhiều, thì nơi
đó ân phúc được thi ân dồi dào hơn.
Tình
yêu ấy nói với con người rằng, đau khổ, cái chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu
của vinh quang, của sự sống. Tình yêu ấy mạnh hơn sự chết, tình yêu ấy không
bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét