PHÚC ÂM: Mc 1,40-45
“Chứng
phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
40
Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng
: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ
tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi
anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo
anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì
anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng
cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và
loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được,
mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến
với Người.
Suy niệm:
Đến với Chúa và đến với
tha nhân
Xuất phát từ một chủ để chung là bệnh phong cùi, bài đọc trích
sách Lêvi và bài trích Phúc âm Thánh Máccô hôm nay nêu lên sự khác biệt giữa
giáo huấn của Cựu ước và giáo huấn của Tin Mừng. Xưa cũng như nay, bệnh cùi là
một trong những chứng bệnh nan y. Bệnh nhân không chỉ đau đớn về thể xác, mà
còn đau đớn về tinh thần, vì bị mọi người khiếp sợ xa lánh. Sách Lêvi quy định
rõ: những ai bị bệnh này phải trùm đầu, phải sống xa khu dân cư và nếu gặp ai,
phải hô lớn tiếng để cho người ta biết mà tránh (Bài đọc I). Nếu những người
phong cùi bị kết án là “ô uế” thì quyền năng của Con Thiên Chúa đã làm cho người
ấy nên thanh sạch. Qua việc giơ tay chạm vào người bệnh nhân, Chúa Giêsu đã vượt
qua mọi định kiến của truyền thống cũng như của quan niệm tôn giáo. Chúa Giêsu
không chỉ giáo huấn bằng những bài giảng thuyết, Người còn “chạnh lòng thương”
và chạm tới nỗi đau của con người. Qua việc tiếp xúc trực tiếp với những người
đau khổ bệnh tật, Chúa truyền cho họ sức mạnh và tình thương. Nơi khác trong Tin Mừng, chúng ta thấy
Chúa chạm tay vào chiếc quan tài của người đã chết, làm cho người thanh niên sống lại và cầm tay
trao cho người mẹ đang đau khổ (x. Lc 7,11-18). Sứ mạng thiên sai của Chúa là
đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc, giúp họ hướng tới phần thưởng đời
đời Thiên Chúa dành cho người công chính.
Người cùi không chỉ được chữa lành bệnh tật
thể xác, mà anh còn được tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Với việc đi trình
diện các tư tế, anh được những người có trách nhiệm trong tôn giáo công nhận là
thanh sạch. Anh được quyền tham dự các nghi lễ ở Đền thờ và Hội đường. Anh cũng
sẽ có một tương lai như biết bao người khác cùng chung sống trong các làng mạc
và thành phố. Anh sẽ không bị mọi người xa lánh phân biệt, và trở thành một
công dân bình thường. Chúa Giêsu đến trần gian để mời gọi con người hãy đón nhận nhau
trong tình huynh đệ, không phân biệt tội lỗi hay thánh thiện, giàu hay nghèo,
vì tất cả là đều là anh chị em với nhau.
Thánh Máccô cũng nhấn mạnh đến một hành động
của người phong cùi, đó là “đến gặp Chúa Giêsu”. Đối với anh, đến gặp Chúa
Giêsu là một hành động bạo dạn và được thúc đẩy bởi lòng tin. Bởi lẽ, như đã
nói ở trên, những người phong cùi không chỉ bị cấm tiếp xúc với người khác, mà
còn phải hô lớn tiếng “ô uế! ô uế!” mỗi khi gặp người đi ngang qua. Để đến được
với Chúa Giêsu, người cùi cũng phải vượt qua mọi quan niệm khắt khe, mọi rào cản
của phong tục tập quán. Lòng tin mạnh mẽ đã giúp anh đến với Chúa Giêsu, vì anh
tin rằng Người là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự.
Hành động “đến gặp Chúa Giêsu” của người
cùi là mời gọi thôi thúc chúng ta hãy mạnh dạn đến với Chúa. Có nhiều người vì
lý do này hay lý do khác ngại ngùng không muốn đến với Chúa và như thế, càng
ngày họ càng xao lãng Đức tin. Hãy đến với Chúa, dù còn nhiều khiếm khuyết bất xứng. Chúa
Giêsu vẫn đang chờ đợi chúng ta đến với Người để ban ơn phúc và dẫn dắt chỉ lối
cho chúng ta trên đường đời. Người phong cùi có một quyết định quan
trọng là đến với Chúa, và quyết định này đã thay đổi cuộc đời, đem lại cho anh
một tương lai. Chúng ta cũng vậy, nếu dứt khoát trút bỏ những yếu hèn tội lỗi để
về với Chúa, chúng ta sẽ được Người đỡ nâng và ban sức mạnh.
Người phong cùi, một khi được chữa đã trở
thành người loan báo Tin Mừng. Anh muốn hét to lên niềm vui được khỏi bệnh. Anh
như người đã chết mà được cứu sống, đã bị loại trừ khỏi xã hội mà nay được tái
hòa nhập vào cộng đồng những người thân. Anh muốn nói cho mọi người biết Đức
Giêsu là vị Ngôn sứ, là Đấng Thiên sai và là Thiên Chúa quyền năng. Noi gương
người phong cùi, mỗi chúng ta, một khi đã lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, cũng
hãy là những chứng nhân của lòng thương xót Chúa. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta “hãy làm tất cả
để tôn vinh Thiên Chúa”. Thánh nhân cũng cảnh báo chúng ta đừng làm gương xấu
cho bất kỳ ai, nhưng hãy nên gương sáng trong mọi hoàn cảnh (Bài đọc
II).
Trong những ngày này, chúng ta chuẩn đị đón
xuân mới Ất Mùi. Mùa Xuân gợi lại sự ấm áp yêu thương của các gia đình và các cộng
đoàn. Tuy vậy, nếu có những người vui niềm vui sum họp, thì vẫn còn những người
đang tìm một mái ấm hoặc đang khao khát tình thương. Qua việc Chúa chữa người phong cùi, chúng ta nhận
được bài giáo huấn quan tâm chia sẻ tinh thần vật chất đối với những người bất
hạnh. Xuân đến, có nhiều người không có tết vì quá nghèo hoặc bị bỏ rơi. Những
cử chỉ bác ái khi tết đến xuân về là một trong những nét đẹp truyền thống của
dân tộc Việt Nam, nhất là khi những chia sẻ ấy được thực hiện trong tinh thần
bác ái Kitô giáo. Xin cho chúng ta mạnh dạn đến với Chúa và quảng đại đến với
tha nhân, để chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui mà mùa xuân đem đến cho cuộc đời.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám Mục Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi
nơi chúng con đi.
Xin
Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin
Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin
Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận
được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin
cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng
cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lẽ sống:
Bài
ca vạn vật
Một
tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà trí thức bi quan với
Thánh Phanxico thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của
Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật: "Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên
Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết".
Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước
mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của
cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của
mình nữa, nhà trí thức bi quan trút bỏ trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục
của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần
gian. Ông nói với Thánh nhân như sau: "Hỡi người anh em kỳ diệu với cái
nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy
người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một
sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán
không?
Người
anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chững kiến cảnh lụt lội, màn trời
chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ
khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người
anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi
núi rừng cây cỏ và con người không?
Người
anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng
kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết
bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên
tai?
Nghe
tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình
chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết
tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo
đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý
mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.
Nhưng điều Ta muốn nói:
đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những
điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai
điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có
thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: "Nơi
nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn". Thiên
Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì
Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gằng
nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét