PHÚC ÂM: Mc 9,2-10
“Đây
là Con Ta yêu dấu.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
2 Khi
ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa
các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi
Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng
tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba
môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ,
ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay
! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho
ông Ê-li-a.” 6 Thực
ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các
ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe
lời Người.” 8
Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông
mà thôi.
9
Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe
những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các
ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa
là gì.
Suy niệm:
Biến hình
Trong đời, có những giây phút
mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó
là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng
khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín
theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến
qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi.
Theo quan niệm của người Do
thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một
việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường
ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ
rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc
dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu
chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với
Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao
giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở
trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi
chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu
của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình.
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp
gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như
tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình.
Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật
với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không
dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn
thì sáng. Tiếp
xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng
tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi
tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng
trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em.
Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi
Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến
Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta
càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi.
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc
ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong
giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn
trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ
trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức
Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới
phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối,
sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng
Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn
đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín
hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân
mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư,
những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để
kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ
uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc
biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân,
khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những
giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian
khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng
về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy
qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi
nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và
sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Cầu
nguyện:
Lạy
Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên
giống Trái Tim Chúa.
Lẽ sống:
Tro
tàn của lịch sử
Một
buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh
khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ
tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người
thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải
táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.
Georgi
Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát
xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp
xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng
vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch
sử...
Người
ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng
Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...
Georgi Dimitrov là một
trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp
xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con
người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ
đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những
câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng,
không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống
tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay
người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là người có niềm tin,
chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người.
Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết
mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không
là điều chúng ta đang tìm kiếm?
Tin
Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ
bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng
ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây
đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã
không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức
ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư
vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh...
Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn
tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người
hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét