Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba sau Chúa nhật VI Thường Niên năm B. 17.02.2015

Bảy thánh lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
PHÚC ÂM:   Mc 8,14-21
“Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
14 Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông : “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê !” 16 Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17 Biết thế, Người nói với các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh em ngu muội thế ! 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao : 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông đáp : “Thưa được mười hai.” 20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh ?” Các ông nói : “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư ?”

Suy niệm:
COI CHỪNG MEN PHA-RI-SÊU

Hai bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều nói tới tàu thuyền. Con tàu của ông Noe và con thuyền của Chúa Giêsu. Thời gian hai con tàu xuất hiện khác nhau, dù có lộn xộn vì đông đảo súc vật, hay mù tối vì môn đệ không hiểu lời Chúa dạy; nhưng có điểm chung là chúng chứa ơn cứu chuộc.
Con tàu của ông Noe chở cả gia đình ông, chở súc vật: “Trong các súc vật thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con đực bảy con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ hai con đực hai con cái. Nhưng các chim trời, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con trống bảy con mái, để bảo tồn nòi giống các loài ấy trên mặt đất”. Như vậy, con tàu của Noe là cứu cánh để gia đình ông và muôn vật cư ngụ trong đó được cứu thoát khỏi hồng thủy, nhờ đó mà loài thọ sinh được duy trì.
Chiếc thuyền của Chúa Giêsu có Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ, và chở các môn đệ của Ngài, những người sẽ tiếp nối Ngài trong vai trò cứu nhân độ thế. Trong thuyền, ta thấy họ không hiểu Chúa Giêsu, nhưng Chúa uốn nắn, dạy dỗ họ từ từ để chuẩn bị thi hành sứ mạng.
Con tàu Noe, chiếc thuyền của Chúa ngày hôm nay là Giáo Hội. Chẳng hạn, Bí tích Rửa tội làm cho người ta được gia nhập Hội Thánh được ví như con tàu Noe, ai ở trong đó thì được cứu. Giáo Hội được ví như con thuyền chở tình yêu, chở Tin Mừng cứu độ đến cho khắp cùng thế giới.
“Thù trong” thường đáng sợ hơn “giặc ngoài”. Nói vậy, không có nghĩa “giặc ngoài” không đáng lo. Chúa Giê-su không chỉ kêu gọi gìn giữ tâm hồn ngay chính, Ngài còn nhắc nhở các môn đệ phải coi chừng cả những ảnh hưởng xấu của nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, ấy là sự xơ cứng lương tâm. Sau khi chứng kiến phép lạ Chúa chữa người bại tay, nhóm Pha-ri-sêu không tin quyền năng của Ngài thì chớ, lại còn tìm cách giết Ngài (Mc 3,5). Còn Hê-rô-đê và thuộc hạ của ông, sau khi nghe biết những phép lạ Chúa Giê-su làm, đã không tin nhận Ngai, và cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại (Mc 6,16). Sự xơ cứng lương tâm đưa con người đến chỗ “dị ứng” với điều tốt, và thản nhiên với điều xấu, và tệ hơn nữa, tìm cách hủy diệt sự thật, công bằng và tình thương. Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gọi đó là “nền văn minh sự chết.” Loại men “sự chết” này đang lăm le làm dậy lên một thế giới của “sự chết” trong thời đại hôm nay.

Sống Lời Chúa:                                 
Khuyên nhủ hay hành động giúp người khác tôn trọng sự sống thai nhi, quý trọng và gìn giữ bầu khí thuận hòa trong gia đình.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Đấng cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận Tin Mừng cứu độ, và cho muôn nhân mau được hợp đoàn với chúng con trong con thuyền Hội Thánh, để cùng tuyên xưng một đức tin; cùng thực thi một đức ái và cùng sống một đức cậy trông vững vàng.

Lẽ sống:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.
Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.
Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.
Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.
Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.

Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét