Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư sau Chúa nhật II Mùa Chay. 04.03.2015

Thánh Ca-xi-mia
PHÚC ÂM:   Mt 20,17-28
“Họ sẽ kết án xử tử Đức Giê-su.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
17 Khi ấy, lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường Người nói với các ông : 18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức Giê-su bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” 23 Đức Giê-su bảo : “Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Suy niệm:
UỐNG CHÉN CỦA CHÚA

Lời xác nhận của Gia-cô-bê và Gio-an về việc ưng thuận uống chén của Chúa hơi sớm. Một đàng, có thể vì hai ông “chịu đấm ăn xôi”: muốn dành ghế ưu tiên nên cứ ưng đại đi! Đàng khác, chén của Thầy là chén gì, đắng cay ngọt bùi ra sao, hai ông hầu như chưa hiểu! Các ông có trải qua cuộc thương khó với Chúa mới thấy hết ý nghĩa của chén này. Động cơ theo Chúa của các ông chưa thật trong sáng. Dù thế Chúa vẫn đón nhận và uốn nắn, đồng thời các ông cũng chấp nhận để cho Chúa uốn nắn. Và quả thật, “chén của Thầy” các ông cũng đã uống. Và cái chỗ ngồi ở chiếu trên đó đối với các ông đã không còn ý nghĩa nữa, vì giờ đây các ông đang ngồi ngay bên lòng Chúa.

Sống Lời Chúa:                                 
Hiệp thông với Chúa trong lời cầu nguyện của Ngài sau đây.

Cầu nguyện:
“Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha.”

Lẽ sống:
Các con hãy nên trọn lành!

Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết đóng giày".
Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?". Người thợ giày giải thích: "Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. "Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?".
Người thợ giày bảo: "Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi". Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo...
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: "Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói...".
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bậc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: "Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng...".
Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: "Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con trên trời". Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta... Ðó là tận cùng của Tình Yêu!
Người thợ giày trong câu chuyện của thánh Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng nghĩ đễn người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là bí quyết cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất cả các thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu sống như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người khác quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng nhất.
"Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời". Ðó phải là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên trời đã yêu thương con người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống cho con cái của mình... Sự sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho tha nhân.

Lời Chúa: Thứ Ba sau Chúa nhật II Mùa Chay. 03.03.2015

PHÚC ÂM:   Mt 23,1-12
“Họ nói mà không làm.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Suy niệm:
KHIÊM NHƯỜNG LÀ CHÂN THẬT

Người thợ lặn ngọc trai, dù gặp sức nước đẩy ngược lên, vẫn cố lặn sâu đến tận đáy biển để có thể chạm được những vỏ trai chứa ngọc quý giá dưới đáy biển. Cũng vậy, nỗ lực hạ mình sống khiêm nhường của ta thường bị sức đối kháng của sự kiêu căng đẩy ta lên, không để ta sống đúng sự thật về bản thân, là nền tảng cho sự cao trọng của ta. Chiến đấu để sống khiêm nhường là một cuộc chiến dai dẳng suốt đời, bởi vì thói cao ngạo, tính kiêu căng, muốn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, là cám dỗ thâm căn cố đế của con người. Người khiêm nhường đẹp lòng Thiên Chúa vì biết mình là gì trước mặt Ngài, và sống theo sư thật đó. Thánh Phanxicô Assisi nhận xét: “Con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy.”

Sống Lời Chúa:                                 
Đề phòng sự kiêu ngạo theo kinh “Cải tội bảy mối”: thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cho con sống khiêm nhường,  nhìn nhận đúng sự thật về mình, theo cái nhìn của Chúa, chứ không phải theo cách người đời đánh giá. Xin cho con luôn thờ phượng Chúa trong tâm tình của người môn đệ khiêm nhu, phục vụ anh chị em trong tinh thần huynh đệ khiêm tốn.

Lẽ sống:
Vàng bạc trong tro bụi

Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: "Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người".
Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: "Ðây là tất cả tài sản của tôi".
Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: "Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?". Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: "Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?". Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàng hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.

Sự vật luôn có hai mặt. Kẻ tham lam nhìn vào chỉ thấy tro bụi và những của cải chóng qua ở đời này, trái lại người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy được những giá trị vĩnh cửu. Kẻ bi quan nhìn vào sự vật sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối, nhưng người lạc quan lại nhìn thấy ánh sáng và vẻ cao đẹp của sự vật. "Hãy thử nghĩ đến những sự vật trên trời": đó là lời khuyên vàng ngọc của Thánh Phaolô. Tưởng nghĩ đến những sự trên trời không có nghĩa là sống trong thế giới của mơ mộng, ảo tưởng mà trái lại là sống tích cực trong thế giới này, sống bằng đôi mắt luôn tỉnh thức để nhìn ra chiều kích vĩnh cửu của cuộc sống, sống bằng tâm hồn trong sạch để nhận ra được những giá trị cao đẹp của cuộc sống. "Ðầu đội trời nhưng chân đạp đất": đó là thế đứng đích thực của con người. Cắm rễ trong lòng cuộc sống này, nhưng vẫn luôn hướng nhìn về trời cao. Sống một cách trọn hảo trong từng phút giây của cuộc sống. Sống với tất cả trân trọng từng sinh hoạt hằng ngày. Sống với cái thường nhật của tất cả tin yêu, cảm mến... Ðó chính là cách sống của người có niềm tin.

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật II Mùa Chay. 02.03.2015

PHÚC ÂM:   Lc 6,36-38
“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Suy niệm:
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” C.36.
Trong Tin Mừng, Thánh Luca thường cho ta thấy một Thiên Chúa qua hình ảnh “người cha nhân lành” yêu thương con cái mình, hay là “vị thầy thuốc tốt” chăm lo cứu chữa bệnh nhân một cách tận tụy.
Trong Cựu Ước, dân Israel nói đến Đấng nhân từ là ám chỉ Thiên Chúa, Người luôn bảo vệ và yêu thương họ. Ngoài từ ngữ “nhân từ” ra, ta còn bắt gặp những tương tự trong Kinh Thánh như: từ bi, thương xót, trắc ẩn, cảm thông…để nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Hình ảnh người cha yêu thương chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái là nét đẹp từ xưa đến nay, rất thân quen với mỗi chúng ta. Là những người con, chúng ta cũng nêu gương người cha, phải học tấm lòng độ lượng bao dung của cha mình, như Chúa Giêsu dạy: “… hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”.
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán…Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” C.37.
Từ khi tổ tông loài  người phạm tội, con người mang trong mình những mặc cảm, muốn che đậy nó, con người thường đổ lỗi cho nhau, thậm chí lên án, ghen ghét đố kỵ nhau.
Sống giữa đời, ta đối mặt với không ít thách đố. Có những xáo trộn, xung đột bất đồng, tranh chấp không thể tránh khỏi. Biết con người yếu đuối như vậy, Chúa Giêsu khuyên ta đừng xét đoán, đừng lên án anh em mình, mà hãy nhìn lại mình trước đã.
Chúa cũng dạy chúng ta biết tha thứ nữa “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Không phải chỉ tha thư 70 lần bảy, mà mãi mãi thứ tha.
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” C. 38a.
Trao ban hay cho đi là đặc tính của Thiên Chúa. Ngài trao ban nhưng không: Ban cho ta sự sống, cho ta được làm con cái Chúa và cứu chuộc ta, cho ta được sống dồi dào. Một tình yêu cao vời, “có tình yêu nào quý hơn thí mạng sống cho người mình yêu”.
Chúng ta có được gì nếu không phải tất cả là của Chúa. Nhưng chúng ta thường ích kỷ nhỏ nhoi. Chúa Giêsu dạy “không chỉ yêu thương những ai yêu thương mình, mà yêu những kẻ ghét mình nữa, và hãy cho người mà họ không có thể trả lại mình”.
Xin cho chúng ta biết  dâng hiến, biết cho đi, biết yêu thương, cảm thông, chia sẻ, hy sinh trong cuộc sống, để làm chứng cho Tình Yêu.
Chúng ta đang sống trong một xã hội thực dụng; người ta ước muốn tất cả mọi sự đều phải được cân đong đo đếm một cách rạch ròi. Thế nên, dường như lòng thương xót và sự nhân từ đang dần trở nên quý hiếm; những nghĩa cử bác ái đang là một thứ gì đó xa lạ. Người ta lấy tiền của làm thước đo mọi sự và coi đó như chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời. Và biết đâu, chúng ta cũng không nằm ngoài vòng xoay đó? Thế nhưng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, trước tiên hãy nhìn nhận thân phận yêu đuối của mình để chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Tiếp đến, chúng ta cũng hãy trở nên những nhân chứng cho Chúa qua những nghĩa cử bác ái yêu thương trong cuộc sống thường ngày.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn muốn chúng ta tiến thêm một bước nữa. Ngoài việc nhìn nhận thân phận của mình để cậy dựa vào tình yêu Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi noi theo những phẩm tính tốt lành của Thiên Chúa là: Có lòng nhân từ, không xét đoán, không kết án, biết tha thứ và cho đi. Tuy nhiên, để những việc lành chúng ta làm thực sự sinh ích cho chúng ta, thiết tưởng, chúng ta phải thi hành tất cả những việc ấy với lòng yêu mến Chúa.

Sống Lời Chúa:                                 
Mùa Chay, chúng ta hãy khiêm tốn nài xin Chúa là Đấng từ  bi và nhân hậu ban cho chúng ta ơn biết nhận ra con người thật của mình để có thể thay đổi đời sống. Những gì chưa phù hợp với thánh ý Chúa, xin Ngài hãy biến đổi, để chúng ta có thể trở nên con người mới trong Chúa Kitô.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn mở lòng để đón nhận Lời Chúa, đón nhận tất cả mọi người với lòng bác ái yêu thương, nhất là trong mùa chay này, là dịp thuận tiện, cùng với Giáo hội, sám hối và trở về với Chúa là Cha. Lạy Chúa xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con, để ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn.

Lẽ sống:
Bàn thờ cho người nô lệ

Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".
Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT II MÙA CHAY. 01.03.2015

PHÚC ÂM:   Mc 9,2-10
“Đây là Con Ta yêu dấu.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
2 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
Suy niệm
Biến hình

Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi.
Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình.
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi.
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.


ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Cầu nguyện:
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

Lẽ sống:
Tro tàn của lịch sử

Một buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.
Georgi Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...
Người ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là người có niềm tin, chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người. Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không là điều chúng ta đang tìm kiếm?

Tin Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật I Mùa Chay. 27.02.2015

PHÚC ÂM:   Mt 5,20-26
“Hãy đi làm hoà với người anh em ấy đã.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Suy niệm:
CHỚ GIẾT NGƯỜI

Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì chỉ có Chúa làm chủ sự sống mới có quyền đó. Đó là công lý!
Luật của Chúa trong tin mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp buộc tội khi một người phạm tội. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Xin cho mùa chay này chúng ta biết giữ tâm hồn cũng như môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.
Chúa nói “ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân.”
Người xưa kết tội khi người ấy ra tay giết anh em mình. Còn Chúa Giêsu lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội lỗi ấy. Vì vậy, kẻ giết người thì thường bắt đầu từ chỗ ganh ghét, ghen tỵ, giận dỗi. Và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng hành động. Chúa cấm từ trong trứng nước như vậy.
1. “Ai giận anh em mình thì đáng bị xét xử”.
Giận dỗi thì ai cũng dễ mắc lắm. “... dày môi hay hờn, giận cá chém thớt”. Người ta chỉ giận người khác rồi mới nảy ra ý định giết người đó. Khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta, ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì chẳng khác gì giết người không dao.
2. Thái độ thứ hai được kể ngang hàng với tội sát nhân là tội khinh dể anh em mình. Chúa Giêsu nói: “Ai bảo anh em mình là đố ngốc... là đáng bị lên án trước công nghị.”
Tại sao khinh bỉ người như thế mà cũng bị coi là giết người. Thưa vì khinh khi như thế, ta thường kiếm cách sát phạt họ, làm hại thanh danh họ mà không cần gươm giáo gì cả. Cho nên giết người ở đây là giết trong phạm vi tinh thần day dứt, làm cho người đó khốn khổ, tủi nhục, tuyệt vọng, chết dần chết mòn... Đó cũng là cách làm cho người đó chết mau hơn.
3. Cũng chưa hết, Chúa Giêsu nói: “Ai mắng anh em là đồ khùng... đáng lửa hỏa ngục”.
Khi ta mắng một người như vậy là ta đóng một vai trò quan án mà mình không có quyền như thế. Ta mắng một người như thế là ta hạ thấp họ xuống hàng con vật hết trí khôn rồi, không đáng là người nữa. Trong lòng chúng ta chất chứa những cay đắng giận dữ ghen ghét và ta muốn đổ hết lên đầu người mà ta mắng chửi kia.
Chúng ta nhớ một điều khi chúng ta phạm tội giết người từ trong tư tưởng, lời nói hay việc làm là chính chúng ta cướp quyền của Thiên Chúa, là chúng ta phản bội Thiên Chúa. nên đáng nhận lấy hình phạt là lửa địa ngục.
Chúng ta phải ăn năn thống hối nhiều lắm vì đời chúng ta hằng gây sóng gió bằng lời ăn tiếng nói làm đau khổ, làm tan nát bao nhiêu tâm hồn. Do bởi lời nói, chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử ngày phán xét đó!
4. Tha thứ không phải là điều dễ nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ." . Tha thứ là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.

Sống Lời Chúa:                                 
Sống “công chính hơn” không hệ tại ở một số việc làm hình thức bên ngoài mà ở cả tấm lòng yêu mến: không phải cứ dâng nhiều lễ vật lên Chúa là đủ mà trước hết phải sống hoà bình với nhau; giới răn “chớ giết người” không chỉ cấm xâm phạm mạng sống con người, mà còn đòi loại bỏ khỏi tâm trí mọi ý tưởng giận ghét anh em nữa, bởi vì “ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Hơn nữa, cả khi chúng ta làm những việc tự bản chất là tốt, nhưng nếu không làm vì mến Chúa thì những việc đó cũng chưa thể giúp ta đạt được tiêu chí “công chính hơn” này.
Kiểm điểm lại những việc làm vì hư danh hay vì lòng yêu mến Chúa thực sự.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen.

Lẽ sống:
Ðám đông dưới chân Thập Giá

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.