Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Lời Chúa: thứ Hai XXXIII Thường Niên Năm A. 17.11.2014

Thánh nữ Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri - lễ nhớ
THÁNH Ê-LI-SA-BÉT NƯỚC HUNG-GA-RI, BỔN MẠNG DÒNG III - lễ kính
Phúc Âm: Lc 18, 35-43
“Anh muốn tôi làm gì cho anh ? – Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi ; nhưng anh càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp : “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói : “Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Suy niệm:
Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù. Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối, Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô. Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem, nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin. Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác. Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói. Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại. Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36). Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy. Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua, anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến. Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng. Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt. Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi. Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất. Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh? Làm thế nào để cho Ngài dừng lại? Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài, và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38). Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói. Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết. Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà. Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân. Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40). Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây. Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì? Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn. Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù. Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14). Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi. Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3). Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù, đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác. Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi, và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13). Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).

Sống Lời Chúa:
+ Tình yêu là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống, vì nó là động lực thúc đẩy con người ham sống và làm việc. Nếu đánh mất tình yêu, con người sẽ đâm ra chán nản và mất hết nghị lực để làm việc. Kẻ thù của tình yêu là thời gian và những thay đổi của cuộc sống. 
Ví dụ: tình yêu vợ chồng. Rất nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm hay đã được chứng kiến cảnh gia đình tan rã sau biến cố tháng 4/1975. Chồng đi vượt biên, vợ và các con ở lại; mấy năm sau nghe tin chồng đã có vợ khác. Tại sao những chuyện như thế xảy ra? Thời gian hoàn cảnh là 2 yêu tố chính: xa mặt cách lòng và có mới nới cũ. Chuyện như thế cũng xảy ra trong tình yêu của con người với Thiên Chúa: bỏ nhà thờ hay cầu nguyện để chạy theo những cám dỗ vật chất là 2 lý do chính làm con người xa Chúa. Vì thế, để có thể gìn giữ tình yêu, điều cần thiết là phải năng làm sống lại tình yêu ban đầu: “tương quí như tương tân,” hãy luôn biết quí trọng nhau như thuở ban đầu.
+ Cuộc sống với quá nhiều quyến dũ vật chất và hưởng thụ làm cho trái tim con người ra chai đá, khiến chúng ta không còn nhạy cảm với tình thương Thiên Chúa và tình thương của tha nhân. Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, bằng cách năng nhớ lại những gì Ngài đã làm cho chúng ta, để biết ơn, để ca tụng, và biết sống xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng con, để từ đó chúng con sống trong sự khiêm tốn và tin tưởng vào Ngài.

Lẽ sống:
Trong mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: "Ở đây có bán sự khôn ngoan". Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ... Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: "Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích".
Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy... "Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích". Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này. "Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích". Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài... Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.
Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu xuẩn... Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình...
Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng... Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Chúa.  Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi. 
Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét