CHÚA GIÁNG SINH - lễ trọng - Thánh
lễ Ban Đêm
PHÚC ÂM: Lc 2,1-14
“Hôm
nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Lu-ca.
1
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả
thiên hạ. 2
Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn
xứ Xy-ri. 3
Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành
Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì
ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người
đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà
Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt
nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. 8
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ
đàn vật. 9
Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh,
khiến họ sợ hãi kinh hoàng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi
loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân : 11 Hôm
nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng
Ki-tô, là Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ
gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng có đạo binh thiên quốc đông
đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng : 14
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình
an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Suy niệm:
Mỗi
năm chúng ta lại long trọng mừng Lễ Giáng Sinh. Cho dù hoàn cảnh nào, chúng ta
cũng cố gắng làm cho lễ này có một cái gì đặc biệt: trong trang trí, trong Phụng
vụ. Thánh nhạc tại nhà thờ cũng như trong mỗi gia đình. Những cái đó cũng tốt,
vì là dịp để chúng ta bộc lộ niềm vui bên trong, niềm vui mà Chúa Giáng Sinh
đem đến cho chúng ta.
Nhưng
chúng ta đừng để cho những hình thức bên ngoài, những ồn ào nhộn nhịp đó chiếm
quá nhiều chỗ trong thời giờ, tâm trí, sức lực của chúng ta, lấn át và làm
chúng ta quên đi sâu vào mầu nhiệm của lễ hôm nay: Trước khi trở thành lễ của
vui chơi ồn ào, nhộn nhịp, Giáng Sinh là lễ của thinh lặng, thinh lặng của đêm khuya khi
Con Thiên Chúa sinh xuống cõi trần. Chúng ta phải thinh lặng suy niệm và cầu nguyện
thì mới đi vào sâu được mầu nhiệm và được ơn ích lâu bền, ơn ích sẽ còn lại cả
sau khi tiếng hát đã ngưng, đèn nến đã tắt và hang đá máng cỏ đã dẹp đi.
Vậy chúng ta hãy thinh lặng nhìn vào hang đá nghèo nàn, nhìn vào trẻ thơ yếu đuối nằm trong máng cỏ mà
nhìn nhận đó chính là vị Cứu Tinh Thiên Chúa đã hứa, là chính Ngôi Lời nhập thể,
là Con Thiên Chúa sinh xuống giữa loài người để cứu loài người khỏi tội lỗi và
đưa về với Thiên Chúa.
Một
cụ già 93 tuổi, được coi là khá thành công trong cuộc đời:
có nhiều của cải, con đàn cháu đống gần 100 đứa. Về già, có nhiều thời gian
nhìn lại và suy gẫm, cụ ngậm ngùi kết luận: Vất vả ngược xuôi cả cuộc đời cũng chẳng đến đâu, có tí của
ăn nhưng nhìn lại đàn con đàn cháu thấy giật mình. Đứa thì gia đình
tan nát, đứa thì bệnh họan, hầu hết con cháu đều xa Chúa, cố gắng khuyên lơn bảo
ban nhưng chúng nó không chịu nghe. Nếu Chúa không thương đưa con cháu trở lại
thì chết mất! Chẳng biết sau này Chúa cho gặp được bao nhiêu người? May mắn cho cụ già
đã nhìn ra bóng tối đang vây bọc gia đình, nhưng làm sao để đưa các con cháu về
lại với Thiên Chúa?
Hoàn
cảnh của cụ già có lẽ cũng là hòan cảnh của hầu hết gia đình chúng ta.
Khi được may mắn định cư nơi các cường quốc có nhiều cơ hội, chúng ta lăng xả
vào đời để kiếm tiền sinh sống, mà không bao giờ chịu cân nhắc những thiệt hại
của lối sống tư bản này. Nhiều cha mẹ đã không quản ngại hy sinh vất vả để cày
2,3 việc; với hy vọng cho con được tiến thân trong việc học hành, với hy vọng
sau khi đã hy sinh cho con sẽ được chúng báo hiếu sau này, như mình đã từng
thương yêu và báo hiếu cha mẹ. Sau hơn 30 năm vật lộn với cuộc sống nơi xứ lạ quê người, giờ
có thời gian nhìn lại những cố gắng của mình như cụ già, chắc nhiều người chúng
ta cũng không khỏi giật mình: gia đình có của nhưng con cái xa Chúa
và xa mình vạn dặm. Con cái bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, làm rất nhiều tiền nhưng
chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải báo hiếu cha mẹ; dạy dỗ khuyên răn chúng khó
chịu và chỉ để ngoài tai. Chúng ta cũng chép miệng thở than như cụ già: Hy sinh vất vả
cả đời để giờ phải chấp nhận một thực tại chúng ta không ao ước!
Câu
hỏi được đặt ra: Chúng ta đã làm điều gì sai? Làm thế nào để cứu
chúng ta và con cháu ra khỏi vùng bóng tối sự chết này?
Câu
trả lời: Chúng ta đã không đặt Thiên Chúa trên
hết mọi sự. Chúng ta coi trọng tiền của nên đã dùng quá nhiều thời giờ vào việc
kiếm tiền, mà quên đi Lời Chúa báo trước: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài.” Chúng
ta đã xao lãng trong việc trau dồi đời sống tâm linh mà chỉ chú trọng đến thức
ăn của uống, mà quên đi Lời Chúa báo trước: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời
do miệng Thiên Chúa phán ra.” Chúng ta đã chạy theo và thờ lạy những
hào nhoáng thế gian như danh vọng, quyền bính, khoái lạc; mà quên đi Lời Chúa sửa
dạy ma quỉ: “Ngươi
phải thờ phượng Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa thờ phượng ngươi.” Nói
tóm, chúng ta đã không sống theo những gì Thiên Chúa muốn, nhưng sống theo lối
sống của ma quỉ đã cám dỗ Thiên Chúa. Nếu chính chúng ta không sống những gì Chúa dạy, làm sao
chúng ta mong các con chúng ta biết sống? Nếu chúng ta đã không dạy cho con biết
kính sợ Thiên Chúa, và gia đình đã không sống theo đường lối của Thiên Chúa;
chúng sẽ sống theo kiểu của xã hội hiện nay: ích kỷ chỉ biết tới mình, tôn thờ
vật chất, sống buông thả như không có ngày mai.
Tin Mừng Giáng
Sinh:
Những Bài đọc đêm nay cung cấp cho chúng ta những tia sáng hy vọng.
Trong Bài đọc I:
Tiên-tri Isaia tường thuật những lợi ích khi con người có được Đấng Cứu Thế:
Ngài như ánh sáng soi cho con người đang sống trong vùng bóng tối của sự chết.
Ngài giúp giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Ngài ban cho con người
khôn ngoan, sức mạnh, thương yêu, và bình an.
Trong Bài đọc II:
Thánh Phaolô dạy Titô, môn đệ của ngài: Ân sủng Cứu Độ dạy chúng ta phải từ bỏ
lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo
đức ở thế gian này. Chúa Giêsu đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi
mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân Riêng
của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
Trong Phúc Âm:
Tin Mừng Giáng Sinh được loan báo cho con người: Con Thiên Chúa đã giáng sinh
làm người trong hang đá khó nghèo. Chỉ có Mục đồng là những người đầu tiên được
sứ Thần loan báo và nhận ra Tin Mừng Cứu Độ.
Sống
Lời Chúa:
Mục
đích của Mầu Nhiệm Nhập Thể là để gánh tội lỗi và mang Ơn Cứu Độ cho con người.
Không có Mầu Nhiệm Nhập Thể, con người sẽ chết trong tội.
Sự bình an là một ân sủng,
là "quà tặng Giáng Sinh" của Thiên Chúa cho chúng ta. Để có được quà
tặng ấy, chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống
chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này (x. Tt 2,12).
Con Thiên Chúa Nhập Thể hiện
diện với chúng ta cách đặc biệt trong Lời của Ngài. Ngài còn hiện diện trong
Bánh Thánh để tự hiến cho chúng ta, để biến đổi chúng ta ngày càng trở nên những
người con đích thực của Thiên Chúa và được tràn ngập niềm vui của Ngài.
Cầu
nguyện:
Nguyện xin ân sủng và bình an của
Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha ở cùng tất cả chúng ta.
Lẽ sống:
Cặp
kính lão
Tại
một viện dưỡng lão nọ, ai ai cũng cảm thấy vui, vì ngày Giáng Sinh sắp đến. Lễ
Giáng Sinh không những là lễ của nhận quà, mà còn là của tặng quà nữa. Cho nên,
dù không dư dả, các lão ông lão bà cũng cặm cụi suốt ngày để chuẩn bị một món
quà gửi tặng cho thân nhân, người quen.
Duy
chỉ có một bà lão xem chừng như dửng dưng trước những rộn rịp xung quanh. Bà ngồi
trong một góc nhà, gặm nhấm từng nỗi cô đơn của mình. Bà không còn một người
thân nào trên trần gian này. Kỳ thực, bà còn một người con trai, nhưng người
con ấy kể như đã chết với bà. Từ lâu, anh đã bị giam trong một trại khổ sai
chung thân.
Dù
vậy, đối với trái tim của một người mẹ, một đứa con, cho dù có đốn mạt đến đâu,
vẫn là một người con. Cũng như những lão ông lão bà khác, người đàn bà đáng
thương cũng đã có ý nghĩ gửi một món quà cho đứa con bạc phước của mình. Nhưng
bà không có một đồng xu dính túi. Tất cả tài sản của bà chỉ là cặp kính lão còn
đeo trên mắt... Người đàn bà ước ao được gửi cho người con của mình một gói thuốc
lá. Một gói thuốc không là bao, nhưng gói trọn tình thương mà bà vẫn dành cho
anh.
Bà
đi trao đổi với các cụ già, nhưng không ai có gì để trao tặng bà. Cuối cùng, có
một ông lão còn một gói thuốc lá, loại thuốc mà có lẽ con trai bà ưa thích.
Nhưng trong viện dưỡng lão này, dường như ai cũng sống theo nguyên tắc "có
qua có lại". Lão ông chỉ trao cho bà gói thuốc với điều kiện bà cũng trao
tặng cho ông một món quà nào đó.
Người
đàn bà đành lấy cặp kính khỏi đôi mắt và trao cho ông lão. Gương mặt người đàn
ông sáng rỡ lên vì ông đã có thể đọc được tỏ tường. Cuộc trao đổi chấm dứt. Người
đàn bà gói bao thuốc lá lại thành một món quà Giáng Sinh quý giá để gửi tặng
cho con.
Trở
lại góc phòng của mình, người đàn bà làm một cử chỉ máy móc: bà đưa tay lên mắt
để sửa lại cặp kính lão. Nhưng cặp kính không còn nữa. Dù vậy, người đàn bà cảm
thấy vui hơn bao giờ hết: bởi vì người con trai của bà nơi trại khổ sai sẽ vui
vì nhận được quà Giáng Sinh, bởi vì lão ông trong viện dưỡng lão sẽ đọc được
báo trong những ngày Giáng Sinh.
Quà tặng chỉ có ý nghĩa
khi nó là biểu tượng của người tặng. Người tặng quà không chỉ gửi đi một cánh
thiệp, một cái áo, một chiếc bánh, một món đồ chơi, mà gói ghém tất cả tình cảm,
sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ, tâm tình thương mến của mình. Một cách nào đó, khi
tặng quà, chúng ta muốn trao tặng chính bản thân mình.
Do
đó, sự trao tặng nào cũng là một mất mát: mất mát một chút tiền của, mất mát một
ít thì giờ. Sự mất mát càng lớn, thì quà tặng càng có giá trị. Bà cụ trong viện
dưỡng lão trên đây quả thực đã mất mát nhiều: bà đã mất đi một phần ánh sáng của
mình. Nhưng bù lại, niềm vui của người con và niềm vui của người đồng viện của
bà sẽ lớn hơn. Mất đi một chút ánh sáng để cho người khác được thấy, chấp nhận
một chút đau khổ để cho người khác được vui, thua thiệt một phần để cho người
khác được cười: đó là tất cả ý nghĩa của sự tặng quà đích thực.
Nhưng
đó cũng là niềm vui đích thực, bởi vì niềm vui của người chính là niềm vui của
ta. Mục đích của quà tặng là làm cho người khác được vui. Do đó, niềm vui của
người khác phải là quà tặng đích thực mang lại niềm vui cho ta.
Ðó
chính là nghịch lý của Kitô Giáo chúng ta. Càng trao ban, càng mất mát, chúng ta
càng được nhận lãnh.
Chúng
ta sẽ khám phá được nghịch lý ấy trong những ngày mừng lễ Giáng Sinh. Niềm
vui của Thiên Chúa, Vinh Danh của Ngài, quà tặng cao cả nhất mà Ngài đã trao tặng
cho chúng ta: đó là Người Con Một của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi
đã ban Con Một của Ngài.
Chúng
ta đón nhận qùa tặng của Thiên Chúa với tất cả cảm mến tri ân. Nhưng mùa Giáng
Sinh không chỉ là mùa của nhận quà, mà còn là mùa của tặng quà nữa. Chúng ta
hãy dâng tặng Thiên Chúa tất cả con người của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét