THÁNH MA-RI-A, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI -
lễ trọng
PHÚC ÂM: Lc 2,16-21
“Các người chăn
chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên
cho Hài Nhi là Giê-su.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra
đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong
máng cỏ. 17
Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả
những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn
bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong
lòng. 20
Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi
điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là
đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên
mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Suy niệm:
·
Trong
ân sủng của lễ Chúa giáng sinh, Giáo hội mời
gọi chúng ta nhìn về khuôn mặt khả ái của Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Ngày
lễ hôm nay được đặt vào ngày đầu năm dương lịch. Như thế Giáo hội muốn đặt năm
mới này dưới sự che chở của Mẹ. Bài đọc trích sách Dân số cũng nói
cho chúng ta thấy Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta trong năm mới: “Nguyện Chúa chúc
lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng
thương anh em!” Chúng ta hãy dâng năm mới này cho Chúa, cho Mẹ nhân
lành. Cuộc sống của chúng ta ngày nay không dễ dàng và nhiều biến chuyển đang đến
không hứa hẹn những điều tốt đẹp. Chân trời của năm mới đầy đe dọa. Chiến
tranh, khủng bố khắp nơi. Các nước đang tranh chấp và không biết sẽ xảy ra những
gì. Chúng ta tin
tưởng phó thác cho Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có thể giúp chúng ta sáng suốt để
chọn đúng những gì phải chọn.
Tước
hiệu Mẹ Thiên Chúa đã được Công Đồng Êphêsô chấp nhận năm 431 để chống lại
Nestorius, Thượng phụ giáo chủ Contantinop, chủ trương Đức Maria chỉ là Mẹ của
Chúa Giêsu mà thôi, xem Chúa Giêsu như một người được Thiên Chúa chọn làm Đấng
cứu chuộc mà thôi. Công đồng muốn nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa
và là Thiên Chúa thật vì thế Mẹ của Chúa Giêsu là Mẹ Thiên Chúa chứ không chỉ
là mẹ một con người.
Đối
với chúng ta, việc ấy là việc của những nhà thần học. Chúng ta cũng tin thật Mẹ
là Mẹ Thiên Chúa. Người đầu tiên, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đã kêu lên: “Hạnh
phúc cho tôi biết bao, vì Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi!” Đó là lời đầu tiên tuyên
xưng Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời của bà Êlisabet đó, chúng ta tuyên
xưng hằng ngày khi chúng ta đọc kinh Kính mừng.
Làm
mẹ Thiên Chúa là một Nữ Hoàng mà thiên thần Gabrien phải cung kính mừng chào,
nhưng là một nữ hoàng của một vị vua khiêm tốn, một vị vua nghèo khó. Được làm
nữ hoàng, làm mẹ của Vua Trời đất, nhưng Mẹ vẫn là một thôn nữ đơn sơ, tầm thường.
Không một mái nhà để sinh con, phải trú nhờ trong một hang đá. Mấy anh chăn
chiên được loan báo đã tìm gặp được không phải một bà hoàng lộng lẫy xiêm y, mà
là một bà mẹ như bao nhiêu bà mẹ khác, và nghèo hơn mọi người. Một bà mẹ đáng
thương, đặt con nằm trong máng cỏ.
Vừa
được vài tháng phải bồng bế con chạy lánh nạn nơi xa Ai Cập. Và suốt đời sống
như một người nghèo, vợ của một ông thợ mộc vườn. Nhưng Mẹ hạnh phúc biết bao khi thấy con mình lớn
khôn, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Như mọi bà mẹ, Mẹ
Maria lo cho con, đứa con thần linh của Mẹ. Dạy cho con những tiếng nói đầu đời,
dạy cho con những lời kinh mẹ đọc hằng ngày. Mẹ biết con mình là ai. Và Mẹ vẫn
gọi nó bằng tiếng: con ơi.
Mẹ
vẫn là nữ tỳ của Thiên Chúa. Săn sóc Chúa Giêsu, Mẹ luôn thấy rằng Mẹ là nữ tỳ.
Mẹ phục vụ vô điều kiện. Mẹ đầy tràn Chúa Thánh Thần và luôn sống dưới ánh sáng
của Ngài. Vì thế, Mẹ luôn ghi nhớ những gì xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng,
Khi Giêsu ở lại trong Đền thờ mà không báo trước, Mẹ cũng trách: “Con ơi, sao
con làm như thế đối với cha mẹ? Con không biết rằng mẹ và cha con phải đau đớn
tìm con sao?” Và Giêsu đã trả lời một câu mà Mẹ không hiểu: “Cha mẹ tìm con làm
gì? Cha mẹ không biết rằng con phải làm việc của Cha con sao?” Thánh Luca ghi lại:
Maria không hiểu lời đó và chắc chắn đã ghi nhớ. Lần đầu tiên Mẹ nghe con của Mẹ
nói về Cha trên trời. Chúng ta cũng thấy, chính Mẹ trách Chúa Giêsu, Giuse vẫn
im lặng. Ngài tôn trọng Mẹ vì Mẹ mới là Mẹ thật của Chúa.
Maria nghèo về vật chất
và cũng nghèo cả về tinh thần, có nghĩa là Maria luôn khiêm tốn phục vụ. Cái
nghèo mà sau này Chúa Giêsu tuyên bố là có phúc. Mẹ không hãnh diện vì được làm
mẹ Con Đấng Tối Cao, Mẹ chỉ biết âm thầm lo cho con. Mẹ vẫn là nữ tỳ khiêm hạ,
làm việc trong bóng tối, không cần ai biết.
Khi
con của Mẹ bước ra làm việc của Cha trên trời, Mẹ hoàn toàn lui vào bóng tối. Một
đôi khi chúng ta thấy Mẹ xuất hiện, nhưng không do ý muốn mà chỉ do hoàn cảnh
như ở tiệc cưới Cana. Mẹ xuất hiện không như một người khách mà là người phục vụ.
Mẹ biết được hoàn cảnh của gia đình nhà đám đang thiếu rượu. Mẹ can thiệp không
chậm trễ. Nơi đây chúng ta thấy được một nét đặc biệt của Mẹ là lòng nhân ái. Mẹ
biết con Mẹ là ai, và mẹ tin rằng con Mẹ sẽ không từ chối Mẹ điều gì. Đây cũng
là cách thi thố uy quyền âm thầm của Mẹ, uy quyền của tình yêu. Mẹ đến với Chúa
và chỉ cần một lời nói, Mẹ cứu vớt gia đình nhà đám. “Nhà này hết rượu rồi,
con”. Chúa Giêsu vâng lời.
Chóp
đỉnh của mọi sự: đỉnh đồi Canvê thống khổ. Nơi đó Mẹ mới thực sự
là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ kiên vững đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu của mình chịu
treo như một tên tử tội. Mẹ chứng kiến tất cả. Có lẽ lúc ấy Mẹ nhớ lời của cụ
già Simêon: một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim Bà”. Mẹ đau khổ đến tột cùng nhưng vẫn
can đảm. Mẹ Thiên Chúa là như thế, là liên đới với con trong sứ mệnh của con.
Im lặng để cho đau khổ xé nát tim Mẹ. Mẹ khắc ghi những lời cuối cùng của con Mẹ
trên thập giá và một lời đáng ghi nhớ đối với chúng ta: “Này là con Bà, này là
Mẹ con”. Mẹ không những là mẹ của Chúa Con mà Mẹ lại là mẹ chúng ta. Vào cuối
Công Đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã không ngại tuyên bố, Mẹ là Mẹ Giáo Hội,
là Mẹ của Chúa Giêsu toàn thể.
Nơi
Mẹ chúng ta nhìn thấy Mẹ nối kết hai thái cực. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một tước vị
có một không hai trong trời đất, nhưng lại là người đau khổ nhất, khiêm tốn nhất.
Khi
mừng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy hồng ân và tình yêu của Thiên Chúa
đối với chúng ta. Chúa đã chọn Mẹ, đã giữ gìn Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, để ban cho Mẹ hồng ân đón
tiếp Ngôi Hai xuống thế, và chính chúng ta là những người hưởng nhờ hồng ân vô
giá đó. Nhờ Mẹ, chúng ta có được Chúa Giêsu, nhờ Mẹ chúng ta được cứu chuộc và được
làm con Chúa. Chúng ta đang sống trong tình yêu của Chúa và của Mẹ.
Dù thế giới có sôi sục hận thù, chúng ta vẫn có Chúa là tình yêu không vơi cạn.
Dù cuộc sống chúng ta trăm chiều đau khổ, chúng ta vẫn còn có thể tin cậy.
Lm Trầm Phúc
·
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
và là Mẹ các Tín hữu
Đức
Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đây là chân lý đức tin được Hội thánh tuyên xưng và
Công Đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 đã công bố: Đức Maria thực sự trở
thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. “Đức Maria
là Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ
nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có
linh hồn, Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì
thế chúng ta nói: Ngôi Lời đã sinh ra làm người” (DS 251).
Đức Maria là Mẹ Thiên
Chúa không phải vì sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa. Đức Maria không thể là Mẹ của
thiên tính được. Trong kinh tiền tụng giáng sinh II,
Giáo hội cho biết: “Người (Đức Giêsu Kitô) là Đấng vô hình đã xuất hiện hữu
hình giữa chúng con, và Người vốn được sinh ra trước mọi thời gian, nay bắt đầu
hiện hữu trong thời gian”. Đức Giêsu Kitô có hai lần được sinh ra. Lần đầu từ muôn thuở,
Đức Kitô là Con Một Thiên Chúa bởi Đức Chúa Cha mà ra, theo thiên tính. Lúc khởi
đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa
(Ga 1,1). Lần thứ hai, Đức Giêsu do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra theo nhân tính.
Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một
người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu
chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử (x. Gl 4,4). Lời Chúa trong Tin Mừng
theo thánh Luca hôm nay cũng đã trình thuật biến cố Chúa Giêsu sinh ra tại
Belem và các người chăn chiên hối hả đến gặp Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,16). Đức
Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu vì đã sinh Chúa Giêsu (x. Lc 2, 6-7) và Mẹ Maria
đã đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người
được thụ thai trong lòng Mẹ (x. Lc 2, 21).
Thêm
vào đó, danh xưng Đức Maria là Mẹ Đức Giêsu còn được Tin Mừng theo thánh Gioan
nhắc rõ trong biến cố tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1) và biến cố tại núi Sọ (x. Ga
19,25). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là ‘Mẹ của Chúa tôi’
(Lc 1,43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Có hai bản tính nơi Đức Giêsu Kitô: thiên tính và nhân tính.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa nhờ vào vấn đề Ngôi hiệp. Đức Giêsu Kitô là Thiên
Chúa thật và là người thật. Nhân tính đón lấy thiên tính và ngược lại, thiên
tính đón lấy nhân tính, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa: Một thân thể được Ngôi
Lời cho kết hiệp với mình theo bản thể và vì thế Ngôi Lời được nói là đã được
sinh ra theo xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14).
Như
thế, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đây là tước vị cao
quý mà ngoài Đức Mẹ, không một thụ tạo nào có được. Tước vị cao quý ấy không
làm Mẹ xa cách các tín hữu. Trái lại, Mẹ rất gần gũi với các tín hữu trong mối
liên hệ thật gần. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II đã cho biết mối liên
hệ giữa Đức Maria và các tín hữu: Vì thuộc dòng dõi Ađam, Mẹ cũng liên kết với
tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, “Ngài thật là Mẹ các chi thể (của
Chúa Kitô)… vì đã cộng tác trong đức ái để tái sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội
là những chi thể của Đầu ấy” trở nên thụ tạo có thế giá trước mặt Chúa để chuyển
cầu cho các tín hữu” (x. LG 53).
Dẫu
biết biết rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Đấng Trung Gian
duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã
dâng mình làm giá chuộc mọi người (x. 1Tm 2,5-6). Tuy nhiên, vai trò làm mẹ của
Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian
duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung
gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Nữ Trinh trên nhân loại không
phát sinh từ một sự cần thiết cách thế nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên
Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa
và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực
của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ
các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô (x. LG 60).
Vì thế, các tín hữu được
mời gọi chạy đến Mẹ Maria là Mẹ của mình bằng một thái độ tôn kính đặc biệt. Tôn kính Đức Maria cách đặc biệt không có
nghĩa là tôn kính tùy tiện theo ý riêng nhưng theo hướng dẫn của Giáo hội.
Giáo hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của
giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp
với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh
Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ
giới răn Chúa Con (x. LG 66).
Giáo Hội cũng khuyến
khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất
là trong phụng vụ, hãy coi trọng những
việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền Giáo Huấn
Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định
của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Nữ
Trinh và các Thánh. Phần các tín hữu, Giáo hội nhắc nhở rằng:
lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ
tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin
dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy
chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta
(x. LG 67).
Mừng
lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa hôm nay, cầu chúc mọi người luôn yêu mến Mẹ Maria bằng
một đời sống sùng kính đặc biệt, theo sự hướng dẫn của Giáo hội và
nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, mỗi người luôn sống xứng danh là con ngoan của
Chúa trong cuộc lữ hành trần thế này và sau khi qua khỏi đời này được đoàn tụ với
Mẹ Maria trên Thiên Quốc, hưởng hạnh phúc muôn đời.
Lm. Vinhsơn Trần
Minh Hòa
Sống
Lời Chúa:
Noi gương Mẹ, sống khiêm
nhu và phục vụ, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện, dạy
chúng ta yêu thương, ơn Chúa sẽ triển nở trong cuộc sống chúng ta, sẽ làm cho
cuộc sống tầm thường của chúng ta trở nên hồng ân cho chúng ta và cho mọi anh
em cùng sống với chúng ta trong cuộc sống cơ cực khốn khổ này.
Cầu
nguyện:
Lạy Mẹ Maria! xin Mẹ giúp chúng
con biết hiến dâng như Mẹ, phục vụ như Mẹ, lấy Chúa làm trung tâm của cuộc sống,
của tình yêu chúng con, cuộc sống sẽ đẹp hơn. Nơi bàn thờ hiến tế, chúng con
cùng Mẹ hiến dâng của lễ tạ ơn, và yêu thương đón nhận Chúa Giêsu, Con Mẹ, để
cùng Ngài sáng tạo tương lai của chúng con và của Giáo hội. Hiến dâng năm mới
này cho Mẹ để nhờ Mẹ giúp chúng con yêu mến Chúa hơn. Cuộc sống này chỉ đẹp khi
Chúa Giêsu trở thành trung tâm.
Lẽ sống:
Chiếc
mốc thời gian
Cứ
ở mỗi cuối năm, hoặc ở khởi đầu của một năm mới, một thập niên mới, một kỷ
nguyên mới, tạp chí Time có thói quen chọn một người nổi bật nhất trong lịch sử
nhân loại để làm một cái mốc cho thời gian.
Lần
đầu tiên, năm 1927, phi công Hoa Kỳ tên là Charles Lindbergh đã được chọn làm
người của năm. Viên phi công này là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã
thực hiện một chuyến bay liên tục từ New York sang Paris. Người của năm không
phải chỉ là một đấng mày râu, mà ngay cả phái yếu cũng được chọn vào danh dự ấy.
Trước kia, có nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, và năm 1986, tổng thống Aquino của Phi
Luật Tân cũng đã được chọn làm người của năm.
Có đàn ông, có đàn bà.
Có những người xây dựng Hòa bình như Mahatma Gandhi, như martin Luther King, mà
cũng có những người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho nhân loại như Stalin,
như Hitler, như Ðặng Tiểu Bình cũng đã từng được chọn làm người của năm.
Gần
đây, thế giới nhìn vào chủ tịch Gorbachov như gương mặt nổi bật nhất của lịch sử
nhân loại. Năm 1987, ông được chọn làm người của năm vì đã xuất hiện như một biểu
tượng của Hy vọng cho Liên Xô. Và với những thay đổi sâu rộng trong khối Ðông Á?
do chính sách đổi mới của ông mang lại, ông được chọn làm người của năm 1989.
Nhưng tạp chí Time còn đi xa hơn nữa khi tặng cho ông danh hiệu "Người của
thập niên 80". Trước kia, năm 1949, thủ tướng nước Anh là Winston
Churchill cũng đã được chọn làm người của nửa thế kỷ.
Thời gian sẽ vô nghĩa và trống rỗng, nếu không được liên tục bằng những
cái mốc của lịch sử. Con người cần có những chiếc ấy để nhìn lại quá khứ và dự
phóng cho tương lai.
Người Kitô sống giữa thế
giới không thể không dựa vào những chiếc mốc thời gian ấy.
Nhưng chúng ta không nhìn vào những chiếc mốc thời gian ấy với đôi mắt bàng
quan, hoặc tệ hơn nữa, bằng cái nhìn bi quan. Trong đức tin, tất cả được nhìn bằng đôi mắt lạc
quan, bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là chủ của lịch sử, Thiên Chúa luôn
có mặt trong lịch sử con người.
Tin vào sự hiện diện và
hướng dẫn ấy của Thiên Chúa, chúng ta nhìn vào những chiếc mốc của thời gian
như những dấu hiệu của Hy vọng. Ngay cả trong thất bại, rủi ro, tang tóc,
thương đau, người Kitô cũng luôn nhận ra những dấu chỉ của Hy vọng.
Tất cả mọi biến cố xảy
đến đều phải được nhìn trong ánh sáng phục sinh của Ðức Kitô. Cái chết đau
thương và nhục nhã của Ngài trên thập giá không phải là ngõ cụt, là đường cùng,
là tăm tối mà là đường dẫn về Ánh Sáng.
Tin
tưởng ở sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng phút giây của cuộc sống và lịch
sử con người, cái mốc thời gian của chúng ta có lẽ không phải là đơn vị của
năm, thập niên, mà là từng phút giây của Hiện tại. Và người được chúng ta chọn cho từng phút giây ấy
phải là Thiên Chúa, chủ của thời gian, chủ của lịch sử.
Xin chọn Người làm
trung tâm điểm của cuộc sống, xin chọn Người làm Sự Sống, xin chọn Người làm Lý
Tưởng, xin chọn Người làm Cảm Hứng, xin chọn Người làm tất cả cho cuộc đời, xin
chọn Người trong từng phút giây của cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét