PHÚC ÂM: Lc 1,26-38
“Này
đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Lu-ca.
26
Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần
Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với
một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ
thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở
cùng bà.” 29 Nghe
lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30
Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên
Chúa. 31
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người
sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ
ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến
muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến
việc vợ chồng ?”
35 Sứ
thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả
bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa
bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một
người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được
sáu tháng, 37
vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người
thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Đức
Trinh Nữ Maria
Nhân vật cuối cùng mà phụng vụ muốn
trình bày với chúng ta trong mùa vọng đó là Đức Trinh Nữ Maria.
Thực vậy, điểm nổi bật của Mẹ Maria
không phải là việc Mẹ được lôi kéo vào những sự kiện lạ lùng, nhưng chính là
thái độ của Mẹ trước công trình cứu độ của Thiên Chúa đang diễn ra một cách
khác thường. Không giống với một Dacaria ngờ vực, Mẹ Maria đã trả lời: Này tôi
là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền. Một lời xin vâng có tính
cách phó thác, dấn thân vào một công trình đầy những điều mới lạ, vượt trên mọi
dự đoán. Một lời
xin vâng đầy tin tưởng bởi vì Mẹ Maria đã đón nhận Con Thiên Chúa làm người
trong lòng tin trước khi đón nhận Ngài nơi thân xác của mình.
Sau này khi người ta báo cho Chúa
Giêsu biết có mẹ Ngài đang chờ Ngài ở ngoài, thì Ngài đã khẳng định: Những người
nghe và thực hiện lời Ngài chính là mẹ và anh em của Ngài. Không phải Chúa
Giêsu muốn phủ nhận địa vị người mẹ của Đức Maria mà trái lại, Ngài muốn khẳng định
rằng Đức Maria đã là một người mẹ trọn vẹn của Ngài. Mối quan hệ giữa Đức Mẹ và
Ngài không chỉ là quan hệ máu mủ ruột thịt mà còn là quan hệ tinh thần.
Với chúng ta cũng thế. Dọn đường Chúa, tiếp
đón Chúa có nghĩa là lắng nghe và thực hiện lời của Chúa. Đó là con đường chắc
chắn nhất để đi vào mối quan hệ mật thiết với Ngài.
Lời của Ngài thực sự đã đưa
chúng ta đi vào một con đường mới, một cuộc sống mới. Lời của Ngài đã lôi kéo
chúng ta ra khỏi đền thờ, ra khỏi thành thánh để đến với những con người đang
phải vật lộn giữa cuộc sống. Lời của Ngài dẫn chúng ta đến với những người
nghèo khổ lao động, những kẻ đau ốm, bệnh tật. Không phải chỉ để nói lên sự an ủi
mà còn là để đem lại cơm áo và sự chạy chữa. Việc tiếp nhận Chúa không phải chỉ
diễn ra trong mùa vọng và mùa giáng sinh, mà còn phải diễn ra trong toàn bộ cuộc
sống chúng ta. Và như thế, chuẩn bị tiếp đón Chúa chính là học hỏi lời Chúa và
thực thi lời Ngài trong cuộc sống của chúng ta vậy.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương
ban Đức Mẹ, để làm mẹ của chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con luôn sống trong khiêm nhường và vâng lời như Đức Mẹ, và luôn kêu khấn
qua Đức Mẹ để được bình an lúc này và trong giờ lâm tử.
Lẽ sống:
Rạn
nứt trong tâm hồn
Một
ông vua giàu có nọ rất keo kiệt và hà khắc đối với thần dân. Thành ra, tất cả mọi
người đều oán ghét ông.
Một
hôm ông ra lệnh cho quan tể tướng tiến hành việc thu thuế hằng năm. Nhưng quan
tể tướng cho biết: "Năm nay mùa màng hư hại, dân chúng đang chết đói, họ
không thể nào nộp thuế được".
Nhưng
nhà vua vẫn một mực cho tiến hành việc thu thuế và yêu cầu quan tể tướng dùng tất
cả tiền thuế để sửa sang cung điện và nội thành. Quan tể tướng đi một vòng xung
quanh cung điện, nơi nào cũng có sự rạn nứt, nhưng sự rạn nứt sâu xa hơn vẫn là
sự bất mãn và ta thán của người dân.
Thế
là, năm đó, thay vì tiến hành lệnh của vua, quan tể tướng đã cho người đi khắp
nơi và loan báo như sau: "Năm nay, nhà vua miễn thuế cho tất cả mọi người".
Nghe thế, ai cũng vui mừng vỡ lở. Khắp nơi, tuy đói kém, ai ai cũng làm tiệc ăn
mừng.
Trở
lại triều đình, quan tể tướng thông cáo với nhà vua rằng với số tiền thu thuế
được, ông đã cho làm những tu sửa cần thiết nhất.
Ngày
hôm sau, quan tể tướng mời nhà vua và đoàn tùy tùng đi tham quan một vòng xung
quanh những nơi mà ông báo cáo đã được tu sửa. Vừa ra khỏi cung điện, nhà vua
đã được dân chúng tung hô vạn tuế không dứt lời. Nhìn đám đông vui mừng, nhà
vua mới quay sang quan tể tướng để hỏi lý do của ngày hội này. Quan tể tướng mới
giải thích như sau: "Tâu bệ hạ, ngày lễ hôm nay được tổ chức là để đánh dấu
những tu sửa quan trọng trong cung điện. Trước khi tiến hành việc thu thuế, hạ
thần đã đi tham quan một vòng, hạ thần nhận thấy rằng những rạn nứt đáng kể nhất
không phải là những rạn nứt trên tường thành của cung điện mà chính là trong
lòng người dân. Người dân không thể vui mừng được vì từ bao lâu nay, họ không
còn thấy được lòng tốt nữa. Ðó là lý do đã khiến hạ thần tuyên bố miễn thuế cho
họ trong năm nay".
Nghe
thế, nhà vua mới sực tỉnh lại và nhận ra thái độ keo kiệt hà khắc của ông. Ông
nhìn xuống đám đông dân chúng đang hân hoan vẫy chào, lòng ông cảm thấy xúc động.
Lần đầu tiên, người ta thấy nụ cười của vui tươi và yêu thương nở trên môi ông.
Người
Việt Nam chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc với hai chữ đổi mới. Năm kia qua
tháng nọ, lúc nào người ta cũng hô hào "đổi mới", nhưng đâu vẫn vào
đó: đói khổ vẫn còn đó, dốt nát vẫn còn đó, lạc hậu vẫn còn đó, tù đày khốn khổ
vẫn còn đó... Ðiều đó xem ra cũng dễ hiểu, người ta chỉ vá víu để hàn gắn những
rạn nứt bên ngoài, còn rạn nứt thâm sâu nhất là rạn nứt trong tâm hồn mình, thì
người ta không bao giờ nghĩ tới.
"Ðổi
mới" là trọng tâm của sứ điệp Kitô Giáo chúng ta. Khai mở sứ vụ công khai
của Ngài, Chúa
Giêsu đã kêu gọi: "Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng". Sự hoán cải mà Chúa
Giêsu đề ra là hoán cải tâm hồn, hoán cải con tim, hoán cải tư duy, hoán cải
cái nhìn.
Sự hoán cải ấy không phải
là công việc của một ngày, một tháng, một năm, mà là công trình của cả một cuộc
đời. Bao lâu còn mang lấy danh hiệu Kitô, thì bấy lâu người tín hữu vẫn còn được
mời gọi để hoán cải.
Sự hoán cải ấy cũng
không chỉ là cố gắng riêng tư của người tín hữu mà là tác động của chính Chúa.
Chính Ngài mới có thể tác tạo cho con người một trái tim mới, một quả tim biết
yêu thương. Sự đổi mới mà người tín hữu Kitô không
ngừng đeo đuổi trong cả cuộc sống của mình chính là cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa những
cố gắng riêng tư của mình và sự tác tạo của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét