Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Lời Chúa: Thứ Sáu tuần I Mùa Vọng năm B. 05.12.2014

PHÚC ÂM:   Mt 9,27-31
“Nhờ tin vào Đức Giê-su, hai người mù được chữa khỏi.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
27 Khi ấy, Đức Giê-su đang trên đường đi, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng : “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi !” 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ : “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?” Họ đáp : “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” 29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói : “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” 30 Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ : “Coi chừng, đừng cho ai biết !” 31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
Suy niệm

Thánh Gioan với một ngòi bút rất linh động đã mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người mù từ thuở mới sinh. Câu chuyện gặp gỡ và chữa người mù này có thể được chia làm ba phần :
1.     Nói về bệnh mù.
Tuy khoa học nói chung và ngành y học nói riêng đã đạt được những bước tiến khá cao trong việc chữa các bệnh tật, nhưng chưa đẩy được bệnh mù. Hiện nay trên thế giới có khỏang 13 triệu người mù. Họ bị mù hoặc là do bẩm sinh, hoặc do một tai nạn, hoặc do bệnh tật gây nên.      
          Bệnh mù cũng có cấp độ :
          - Quáng gà : bệnh con mắt không phải mù mà không trông thấy rõ khi chập tối, giống như gà vậy.
          - Thong manh : bệnh làm cho mắt không thấy đường tuy con mắt vẫn mở như người thường.
         - Mù tịt : con mắt không trông thấy gì, không những không thấy những vật chung quanh mà lúc nào cũng như ở trong đêm tối.
Khi nói về bệnh mù thì ai cũng hiểu là mù thể xác nghĩa là không trông thấy sự vật chung quanh mình. Nhưng đứng về phương diện thiêng liêng, ta thấy còn bệnh mù nữa là mù tinh thần hay mù đức tin.
Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác nhau :
ü Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân.
ü Tính vô cảm làm ta mù  không thấy những việc ta làm đau lòng tha nhân.
ü Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.
ü Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.   
ü Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.
ü Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.
ü Khuynh hướng duy vật làm ta mù  không thấy những giá trị thiêng liêng.
ü Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người mà khiến ta hay lên án.
                           
2.     Mù thể xác và mù tinh thần.
a)     Bệnh mù thể xác.
Mù thể xác có nhiều cấp độ nhưng nói chung là không thấy rõ hoặc không thấy sự vật ở chung quanh. Anh mù trong Tin mừng hôm nay ngồi ăn xin bên vệ đường có lẽ là người mù tịt không biết Đức Giêsu đi qua, nhưng Ngài động lòng thương cứu chữa anh, đồng thời cũng qua phép lạ  này Đức Giêsu muốn giới thiệu cho các môn đệ : Ngài là ánh sáng trần gian. Ngài nhổ nước miếng trên đất, trộn thành bùn và xức vào mắt anh mù, rồi bảo anh ta :”Hãy đến hồ Siloê mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được.
b)    Bệnh mù tinh thần.
Câu chuyện anh mù được chữa khỏi không phải là một câu chuyện đơn giản và hiển nhiên, khiến mọi người phải chấp nhận. Có những người cố tình nhắm mắt lại không chấp nhận sự thật hiển nhiên đó. Họ khẳng định rằng đây không phải là anh mù trước kia, mà là một người nào giống anh ta.
Còn tệ hơn nữa, các biệt phái cố tình bẻ quặp sự thật bằng cách trớ trêu lý luận rằng: ông Giêsu đã chữa mắt cho người mù trong ngày hưu lễ vì luật trong hưu lễ là cấm làm việc. Ai vi phạm là kẻ có tội. Mà kẻ tội lỗi  thì không thể là người bởi Thiên Chúa và không thể làm được phép lạ. Đó là lý luận cứng nhắc đã làm mù mắt người Do thái. Nhưng thực tế vẫn xẩy ra, nghĩa là đã có phép lạ.
Người biệt phái tìm cách chối bỏ sự thật : họ cho người được sáng mắt này không phải là người ăn xin bấy lâu nay; họ cho đòi cha mẹ anh ta đến hạch hỏi, đe dọa đủ thứ, còn anh mù được khỏi bệnh phải trình tòa hai ba lần để xét hỏi. Mục đích của họ là ép anh mù và cha mẹ anh ta  phải chối bỏ cái thực tế được sáng mắt. Tất cả những tình tiết trên có thể đưa đến kết luận rằng người sáng mắt lại là anh mù, còn kẻ mù quáng lại chính bọn biệt phái vẫn tự cho mình thông minh sáng suốt mọi sự.
Phần kết của đọan Tin mừng, thánh Gioan đã ghi lại câu nói của Đức Giêsu :”Chính vì để luận xét mà Ta đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy sẽ trở nên mù”(Ga 9,39). Từ sự mù – sáng đôi mắt thể xác, Đức Giêsu đi đến kết luận về sự mù – sáng đôi mắt tinh thần. Quả vậy, người mù được thấy, được sáng con mắt đức tin. Anh đã nhận ra Giêsu : từ một vị ân nhân của mình, đến một tiên tri và tiến một bước dài tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Trong khi ấy, người Do thái mà cụ thể là những biệt phái lại đi vào sự mù tối. Họ không nhận ra Giêsu Nazareth là ai, họ chỉ biết đó là một người không tuân thủ lề luật, dám làm việc ngày hưu lễ cho dù đó là việc tốt. Họ đã từ chối ánh sáng thật và cuối cùng đã lên án cho Ngài.
3.     Xin cho được “sáng mắt sáng lòng”.
Anh mù hôm nay đã được Đức Giêsu cho được “sáng mắt sáng lòng”. Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta cũng phải xin Chúa cho được sáng mắt và sáng lòng. Nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quí, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin còn quan trọng hơn.
Những người chỉ biết tôn thờ vật chất, tiền của, danh vọng, xác thịt… là những người chỉ biết nhìn bằng cặp mắt thể xác để được sáng mắt. Họ có thể giống như con heo khi thấy được thức ăn thì ăn rồi quay ra ngủ, thức dậy rồi lại ăn. Không biết gì khác ngoài việc ăn uống ngủ nghỉ, không biết tới tương lai, khi nào người ta giết thì chết.
Con người được “sáng lòng” là người biết vươn lên cao cho xứng với “linh ư vạn vật”, vươn tới hạnh phúc tuyệt đối là Thượng Đế, biết mình từ đâu tới, sống phải làm gì và hậu thế sẽ ra sao ? Họ cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng ăn uống có chừng mực, tránh những thức ăn có nguy hại cho tâm hồn để chuẩn bị cho tương lai. Những người này đã dùng cặp mắt đức tin để nhìn sự vật trong cuộc sống hằng ngày.
Trong cuộc sống của Kitô hữu, không những chúng ta phải nhìn bằng con mắt thể xác như mọi người nhưng còn phải dùng con mắt đức tin để thấy những thực tại siêu nhiên và có thể nhìn thấy Chúa. Về vấn đề này, thánh Thêôphilô, Giám mục thành Antiokia, gửi cho Antiôcô có viết :”Nếu bạn nói : “Hãy tỏ cho tôi biết Thiên Chúa của bạn”, thì tôi có thể trả lời : Hãy tỏ cho tôi biết con người của bạn, rồi tôi sẽ tỏ cho bạn biết Thiên Chúa của tôi”. Vì thế, bạn hãy cho biết mắt tâm hồn bạn có nhìn thấy và tai lòng bạn có nghe được không.
Cũng như những người nhìn xem bằng con mắt thể xác  thì nhìn thấy những việc diễn ra trong cuộc sống trần gian này : họ nhìn thấy sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, đẹp và xấu, thanh nhã và thô thiển, cân xứng với bất cân xứng, ngắn với dài. Tai cũng vậy, nó phân biệt được tiếng bổng tiếng trầm, tiếng du dương. Về tai và mắt tâm hồn cũng vậy, chúng có thể nghe và nhìn thấy Thiên Chúa.
Quả thật, Thiên Chúa được nhìn thấy do những kẻ có thể nhìn thấy Ngài nếu họ biết mở con mắt tâm hồn ra. Ai cũng có mắt, nhưng một số người bị mù lòa và không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nếu những người mù không nhìn thấy, thì chẳng phải tại ánh mặt trời không chiếu sáng, nhưng người mù phải nhận rằng chính tại mình, tại mắt mình. Đối với bạn cũng thế, mắt tâm hồn của bạn bị mù lòa là do tội lỗi và các hành động xấu xa của bạn (Các bài đọc Kinh sách, tập 2,  tr 106-107) .
Chúng ta có thể kết luận : Con người có cặp mắt thể xác và tinh thần. Cả hai cặp mắt đều quan trọng để nhìn xem. Nhưng nếu có trường hợp đối chọi nhau giữa hai cặp mắt ấy thì với danh nghĩa là Kitô hữu, chúng ta phải dành ưu tiên cho con mắt tinh thần, nghĩa là tuy bị mù về con mắt thể xác, nhưng lại ngời sáng về con mắt đức tin : Không sáng mắt nhưng sáng lòng !
Anh ta sung sướng vô cùng vì được nhìn thấy sự vật chung quanh. Trước đây người ta kể cho anh nghe đủ mọi thứ chuyện chung quanh nhưng anh ta không có một khái niệm nào về sự vật. Đối với anh lúc nào cũng là đêm tối dầy đặc. Bây giờ anh được trực tiếp ngắm xem cảnh vật, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng kỳ lạ… không cần phải cắt nghĩa cho anh nữa.
Chúa Giêsu chữa lành hai người mù khi họ tin tưởng kêu xin Chúa. Phép lạ chữa hai người mù nằm trong trình thuật ghi lại các phép lạ Đức Giêsu làm, minh chứng người là Đấng Kitô Thiên Chúa sai đến.
"Lạy con vua Đavít": Hai người mù bày tỏ lòng tin vào Đức Giêsu như Đấng Cứu thế dòng dõi Đavít mà Thiên Chúa hứa cho dân Người, để xin Ngài thương cứu giúp. Họ kêu xin lần thứ nhất lúc Chúa đang trên đường: Ngài không trả lời. Thái độ yên lặng của Đức Giêsu là một thử thách đức tin cho họ. Nhưng họ đã chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ khi kiên trì theo Ngài về nhà. Đức Giêsu đòi những người mù phải tuyên xưng niềm tin của mình vào Ngài một cách công khai. Không thấy Đức Giêsu bằng mắt, nhưng họ đã thấy bằng đức tin, nên đã kiên trì và tuyên xưng cách vững vàng.
Mù lòa thể xác ai cũng biết, nhưng mù lòa tâm hồn thì không dễ nhận ra. Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong ánh sáng của Chúa người ta mới thực sự nhìn thấy ánh sáng. Mùa Vọng nhắc cho ta: Chúa Kitô đã đến để cứu độ ta. Tôi có đến với Chúa Giêsu để xin Người mở con mắt đức tin, xóa cảnh mù lòa để tôi thấy Chúa hiện diện trong mọi sự, để tôn vinh, cảm tạ, lắng nghe và cầu xin với Người?

Sống Lời Chúa:
Xin cho con sáng mắt sáng lòng.

Cầu nguyện:
Xin Chúa mở con mắt đức tin của Chúa con để chúng con thấy được sự hiện diện của Chúa trong mọi người.

Lẽ sống:
Thiện Nguyện

Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác. 
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người.
Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét