PHÚC ÂM: Mt 1,18-24
“Đức
Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mát-thêu.
18
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với
ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng
Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố
giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì
kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít,
đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng
Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là
Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả
sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23 Này đây,
Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là
Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như
sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.
Suy niệm:
Sứ thần của Thiên Chúa
trước đây đã truyền tin cho Đức Mẹ Maria, giờ đây lại truyền tin cho thánh Giuse.
Cả hai sự truyền tin này, sứ thần đều loan báo là do quyền năng Chúa Thánh Thần
hoạt động. Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, đều đón nhận một cách tự nguyện vâng phục
theo thánh ý của Thiên Chúa.
Thánh
Giuse tuy không dùng lời để thưa tiếng xin vâng, nhưng ngài vẫn được mệnh danh
là “Đấng vâng lời chịu lụy”. Tiếng xin vâng được
thể hiện nơi hành động ngay tức khắc của Ngài. Đó là đón Đức Maria về nhà, nâng
đỡ và che chở cho cả Mẹ và Con khỏi mọi nguy hiểm rình rập, cáng đáng công việc
của người gia trưởng trong kế sinh nhai cho gia đình…
Giêrêmia
loan báo về “một chồi non chính trực” sẽ xuất phát từ nhà Đavít. Đây
sẽ là một vị vua khôn ngoan, tài giỏi, sẽ “thi hành
điều chính trực công minh”.
Lời
loan báo này dĩ nhiên là về Đấng Messia sẽ xuất thân từ dòng dõi vua
Đavít.
Liên
kết với đoạn Tin Mừng Mt 1,18-24, chúng ta thấy cũng từ dòng dõi Đavít
có một con người “công minh, chính trực” là Giuse.
Người công chính theo
Thánh Kinh là một con người biết bỏ qua dự định của mình để làm
theo chương trình của thiên Chúa. Ông Giuse đã
có dự định của mình sau khi biết Đức Maria đã có thai dù hai người
chưa về chung sống. Theo người đời, dự định của Giuse là quá tốt
lành. Nhưng Thiên Chúa lại có chương trình khác, và Giuse đã mau mắn
vâng theo, vì vậy ông được gọi là người công chính.
Trong
những ngày gần kề với lễ Giáng Sinh, lời Chúa sẽ lần lượt giới
thiệu cho chúng ta những con người cộng tác với chương trình của Thiên
Chúa, mỗi người một nhân đức khác nhau. Hôm nay lời Chúa cho chúng ta chiêm ngắm
ông Giuse với sự công chính của ông.
Sống
Lời Chúa:
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta
đón nhận và vâng phục Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Theo gương thánh
Giu-se, bạn vâng giữ luật Thiên Chúa và suy niệm tìm thánh ý Ngài. Trang hoàng
bàn thờ và đặt Kinh Thánh ở chỗ trang trọng để khởi đầu chương trình đọc, suy
niệm và sống với Chúa Giê-su.
Cầu
nguyện:
Xin Thánh Cả Giuse hướng dẫn mỗi
người chúng con trong cách hành động để ơn
cứu độ của Đức Giêsu triển nở trong từng ngày sống của chúng con.
Lẽ sống:
Cái
nhìn của một tướng lãnh
Ðại
tướng Marbot, trong tập ký sự, có kể lại một hôm, khi còn là thiếu úy, vua Nã
Phá Luân sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Ðó là giữa đêm khuya, luồn qua
bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông
Danube, tra khảo để xem tình thế của địch quân. Sau bao nhiêu cố gắng không thể
tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sông và bắt được ba
người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng
dòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó đã
báo động bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.
Trong
cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa tỏa ra từ sườn
núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng, Nã Phá Luân đã theo
dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.
Ðôi
mắt phượng hoàng của Nã Phá Luân đã xé tan bóng tối để gửi đến cho những người
lính trẻ sự cổ vũ khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên
hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã
đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn
và trở về an toàn.
Một
cái nhìn của một vị tướng lãnh đã có sức nâng đỡ người lính chiến giữa trận địa
như thế, cũng vậy, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi và nhìn mỗi người chúng ta như
thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa không chăm sóc
chúng ta như chăm sóc một đàn cừu trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên
Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người
trong chúng ta. Người đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất
hiện hữu trên trần gian này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét