CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI (LỄ
CÁC ĐẲNG)
PHÚC ÂM: Ga 11,17-27
“Chính Thầy là sự sống lại và là
sự sống.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Gio-an.
17
Khi đến Bê-ta-ni-a, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày
rồi. 18
Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn
với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô
Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su :
“Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ
điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức
Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !” 24 Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại,
khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại
và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống
và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” 27 Cô
Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng
phải đến thế gian.”
Suy niệm:
CẦU
CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Anh chị em thân
mến,
Ngày hôm qua
chúng ta đã mừng các thánh. Hôm nay chúng ta nhớ đến Giáo Hội đau khổ nơi những
người anh chị em chúng ta đang cần được thanh luyện để được xứng đáng một phần
nào với sự thánh thiện tuyệt đối của Chúa. Hôm nay và cả trong tháng này chúng
ta hãy dành tất cả những công phúc và những lời cầu nguyện để giúp các Ngài. Chắc
là khi được về cõi vĩnh hằng các ngài sẽ không quên ơn chúng ta.
Giáo Hội tạo dịp
để cho chúng ta nhớ đến những người đã ra đi, ra đi trong chiến thắng trọn vẹn
như các thánh, hay ra đi mà chưa đạt được đích cùng như các đẳng linh hồn nơi
luyện tội không phải Giáo Hội chỉ nhắc nhớ
chúng ta nhớ đến bổn phận của chúng ta đối với những người đã chết nhưng Giáo Hội
còn muốn chúng ta qua đó mà nhớ đến chính chúng
ta nữa.
Nhớ cái gì?
1. Nhớ rằng cuộc sống này là cuộc sống có cùng có tận, và đàng sau cuộc sống này sự sống vẫn
tiếp tục.
Bằng một câu
chuyện rất đễ hiểu trong Tin Mừng của thánh Luca, câu chuyện về người phú hộ giầu
có và Lagiarô khó nghèo, Chúa đã muốn bảo cho chúng ta rằng đàng sau cuộc sống này sự sống vẫn tồn tại.
Như vậy
chết là một sự thật mà con người không thể không nghĩ tới.
Trong cái khoảng
mênh mông vô vùng của thời gian và không gian chúng ta chẳng là cái gì cả.
Trong một bài
suy niệm về sự chết Đức Cha Bossuet đã nói: "Tôi sống được 80 năm hay có
thể hơn nữa thí dụ 100 năm. Trở về với quá khứ, đã có lúc tôi không có. Nhìn về
tương lai sẽ có lúc không còn tôi. Thời gian tôi sống chỉ là một khoảng thời
gian rất hẹp trong cái khoảng mênh mông của thời gian. Tôi không là gì hết. Cái
khoảng nhỏ hẹp không thể phân biệt tôi với hư vô và với nơi tôi phải đi tới"
Theo thống kê thì trung bình mỗi ngày có
khoảng hơn 200.000 chết. Mỗi giờ hơn 8000 người. Mỗi phút hơn 130 và mỗi giây từ
2-3 người.
Quan Homidas người
Ba tư, hồi đế quốc Ba tư còn giầu có vào hàng nhất nhì trên thế giới, một lần
đi viếng Roma. Quan được chính vua Constantinô hướng dẫn đi tham quan một vòng
kinh thành Roma. Nhà vua chỉ cho quan thấy những cảnh lộng lẫy và huy hoàng rực
rỡ của kinh thành. Quả thực là Roma rất đẹp.
Sau cuộc tham
quan, Vua Constantinô muốn biết về cảm tưởng của quan, quan mỉm cười nói: "Điều
tôi rất lấy làm lạ là ở một kinh thành lớn lao, đẹp đẽ và giầu có như thế này
mà người ta cũng phải chết như ở những nơi khác".
Vâng chẳng có chỗ
nào mà người ta không phải sự chết.
2. Nếu sự chết là như
thế thì thái độ của chúng ta sẽ phải như thế nào?
a. Có nhiều người bi quan, bi quan đến mức độ muốn đầu hàng cái chết. Từ
thái độ đó người ta bị dẫn đến một thái độ khác đó là người ta cho cuộc đời này là phi lý. Dù có sống như thế nào đi nữa
rồi cũng kết cùng rồi cũng phải chết. Cuộc sống trở thành một thực tại phi lý
hơn bất cứ một thực tại nào khác ở cõi đời này. Kết quả là một cuộc sống buông
thả, muốn ra sao thì ra.
Đây quả là một
thái độ nguy hiểm. Và chắc chắn đó không
phải là thái độ của những người tin. Sống cuộc đời buông thả không những không
thể đạt đến hạnh phúc đời đời như lời thánh Phaolô cảnh cáo mà ngay tại đời này
cuộc sống như thế cũng đáng bị lên án một cách nặng lời.
b. Có người lại có thái độ khác. Họ dửng dưng trước sự chết. Họ không muốn nhìn
vào sự chết như là một sự thật. Họ thản nhiên để cho cuộc đời của họ chìm sâu
vào sự tận hưởng những giây phút của hiện tại mà không cần biết đến tương lai.
Đây cũng không
phải là thái độ của những người tin như chúng ta.
Trên mộ của một
người giầu có người ta đọc thấy một câu như thế này: "Đây
là mộ của một người dại dột đã sống mà không biết tại sao mình sống"
Một trong những
câu chuyện hay người ta thường kể để răn dạy người đời là câu chuyện ông vua giầu
có với chú hề. Truyện như thế này: "Có một ông vua kia sống một cuộc đời
giầu sang phú quí. Ông sống như là không hề biết đến tương lai. Ông cũng chẳng
màng đến thế giới mai sau. Trong hoàng cung có một chú hề chuyên giúp vui cho
ông mỗi khi ông cần tới. Theo nhà vua thì tên hề này là một người biết đem lại
niềm vui cho những người khác nhưng lại là một người rất ngu đần. Một ngày kia
không hiểu vì tức giận với anh ta truyện gì mà nhà vua cho gọi anh hề tới rồi
trao cho anh ta một cây gậy gọi là thanh trượng quyền của nhà vua và nói với
anh ta: "Ngươi hãy đi tìm cho ta một người ngu hơn ngươi - trao cây gậy
này cho nó, rồi ta sẽ trọng thưởng cho ngươi." Chú hề nhận cây gậy và cố gắng đi
tìm nhưng tìm mãi cũng không ra.
Thời gian qua
đi. Tuổi già đến lúc nào nhà vua cũng không biết. Đến khi lực đã cạn, sức đã kiệt
ông cảm thấy ngày ông gần đất xa trời không còn bao xa, ông cho gọi chú hề đến
và tâm sự với anh ta:
- Trẫm sắp sửa
đi một chuyến đi thật xa.
- Dạ thưa Đức
Vua đi tới đâu cơ ạ.
- Ta cũng không
biết nữa.
- Dạ thưa đi như
vậy rồi bao giờ Đức Vua trở về?
- Không bao giờ
, không bao giờ con ạ.
Anh hề là một
người ngu nhưng trong trường hợp này anh lại có một phán đoán rất chính xác. Anh
nhẹ nhàng đặt cây gậy mà trước kia nhà vua đã trao cho anh vào ngay bàn tay Đức
Vua rồi thinh lặng bước ra, lòng cảm thấy nhẹ nhàng và vui sướng vì đã tìm thấy
được một người còn ngu hơn mình mà người đó lại là chính ông vua trước kia đã tự
hào là mình thông minh hơn anh gấp trăm gấp vạn lần anh ta.
c. Vậy thì dâu là thái độ của chúng ta. Đây
là thái độ mà chính Chúa Giêsu đã dậy: Hãy tỉnh thức.
Chúng ta không đầu
hàng sự chết.
Chúng ta không lẩn
trốn sự chết, coi nó như không có trong cuộc đời, nhưng chúng ta can đảm đối diện
với nó bằng tất cả lòng tin yêu và phó thác của chúng ta nơi Tình yêu của Thiên
Chúa.
Chính Chúa Giêsu
đã quả quyết với chúng ta: "Thiên Chúa không phải là Chúa của người chết nhưng là
Thiên Chúa của người sống"(Mt 22,32).
Cuộc đời của Đức
Thánh Cha Gioan XXIII để lại cho chúng ta nhiều câu chuyện rất cảm động. Một trong những câu
chuyện đó là câu chuyện lúc Ngài sắp lìa đời. Theo lời kể của cha thư ký riêng
của Ngài thì hôm đó trước khi Ngài nhắm mắt từ giã cuộc đời Ngài còn đủ nghị lực
để nói với những anh em của ngài, Ông Xavier, Joseph. Alfred và bà
Assunta:
"Đừng lo sợ cho tôi,
Tôi sãn sàng, rất sẵn sàng.
Ở trên trời chúng ta vẫn tiếp tục yêu
thương nhau.
Bây giờ không phải là lúc khóc.
Đây là phút vui mừng và vinh quang.
Tôi theo sát sự chết từng phút.
Nó từ từ đang tới.
Tôi rất bình an, ao ước được thoát ly khỏi
xác thịt này và về cùng Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu
Chúa ưa thích đến
với con
Như chân lý để dạy
cho con biết tin
Như sự sống để dạy
cho con biết sống
Như Ánh sáng để
dạy con biết chiếu tỏa
Như Tình yêu để
dạy con biết yêu thương
Như Niềm vui để
dạy con biết ban phát
Như Bình an dạy
con biết sống chan hòa
*Nhưng lạy Chúa
Giêsu
Có những ngày
con cảm thấy đời sống thật nặng nề
Có những lúc con
muốn buông xuôi
Để mặc cho dòng
đời đưa dẩy
Có những khoảng
thời gian
Con như mảnh đất
khô khan cằn cỗi
* Xin cho con
ánh sáng của Chúa
Để con biết lối
mà đi
Xin cho con tấm
bánh của Chúa
Để con đủ sức mà
dấn bước
Xin cho con Lời
của Chúa
Để con luôn vững
một niềm tin
Xin cho con sự sống
của Chúa
Để con lấy lại
niềm hăng say, sự tươi tắn
Niềm vui và sáng
tạo
*Lạy Chúa Giêsu
Con thấy con cần
Chúa
Trong mọi giây
phút của cuộc đời
Ước gì cuộc đời
của con
Được rập khuôn
cuộc đời của Chúa
Để con biết sống
như lòng Chúa ước mong
Và sau cuộc đời
này
Con được hợp
hoan
Cùng với anh chị
em con
Trong Nhà Cha
trên trời Amen.
Lm.Giuse Đinh Tất Qúy
Nguồn: http://tgpsaigon.net
Cầu
nguyện:
Xin Chúa cho mỗi
chúng ta, luôn biết tỏ lòng thảo kính đối với các bậc tổ tiên ông bà, cha mẹ,
anh chị em đã qua đời, bằng việc đọc kinh, dâng những hy sinh việc lành, và đặc
biệt là thánh lễ mồng 2 tháng 11 hôm nay, xin vì công nghiệp của Con Chúa trên
Thập giá, mà thứ tha muôn tội lỗi và đưa các ngài về hưởng hạnh phúc tôn nhan Nước
Chúa.
Lẽ sống:
Bên
kia sự chết
Trên
giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con
một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".
Có
lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát
ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời...
Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin
thống thiết ấy.
Cần
được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn
là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho,
còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất
lực của mình.
Ðể
giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên
kia và để thể hiện mối tình thông hiệp "các thánh
thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ
động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã
dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và
cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mồng một và mồng hai đầu tháng với
những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội.
Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ
hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho
họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".
Nói
về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: "Khi được về
quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các
thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự
trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền,
đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ
cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn nến tại một
nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi
nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự
sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những
người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm
thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa.
Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống
và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng ta với những người chết. Vâng, chỉ có Tình
Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người
liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của
con người sự bất diệt.
Mỗi
lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người
đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những
người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất
tử.
Yêu thương chính là tái
sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin của
chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá
cố. Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng
cho chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét