Phúc Âm: Lc 13,31-35
“Ngôn sứ mà chết ngoài thành
Giê-ru-sa-lem thì không được.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
31
Khi ấy, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng :
“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !” 32 Người
bảo họ : “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : ‘Hôm nay và ngày mai tôi
trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và
ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành
Giê-ru-sa-lem thì không được.’
34 “Giê-ru-sa-lem,
Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi
! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới
cánh, mà các ngươi không chịu. 35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi.
Mà Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời
các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !”
Suy
niệm:
Khi
được hỏi: Thiên Chúa là Đấng nào? Hẳn không có câu trả lời nào trọn vẹn và ý
nghĩa cho bằng lời khẳng định của thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Thật
vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, nhiều lần và nhiều cách, Thiên
Chúa đã thể hiện tình yêu của Người cho nhân loại ngang qua sự chăm sóc, quan
phòng và nhất là nơi Đức Giêsu.
Có
những lúc, Thiên Chúa được ví như người cha, răn dạy con cái; như người mẹ, yêu thương, an ủi, vỗ về; như
người chồng yêu thương vợ; như người bạn, luôn đồng hành, yêu thương...
Hôm
nay, bài Tin Mừng cho thấy, tình yêu của Người được Đức Giêsu hé lộ như: “Gà mẹ
ấp ủ gà con dưới cánh”. Hình ảnh gà mẹ được Đức Giêsu dùng ở đây cho thấy: Thiên Chúa luôn bao bọc che chở chúng ta, lúc
mưa, lúc nắng, khi bão tố, hay khi bị kẻ thù tấn công. Người yêu thương ta bằng
một tình yêu trọn vẹn. Người đã cho đi tất cả, kể cả người Con Một duy nhất
chính là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thi hành sứ vụ của Chúa Cha
trong tình yêu. Ngài đã yêu thương họ đến cùng và đã chết vì yêu.
Tuy
nhiên, vì hiềm khích, tham lam và kiêu ngạo, con người vẫn đắm chìm trong tội,
nên không thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Họ đã bị một lớp
mây mù dày đặc của tội lỗi làm cho mắt họ không còn phân biệt được tốt - xấu.
Hay đôi khi nhận ra, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì danh dự, vì chức quyền, họ
đã nhắm mắt trước tình yêu của Ngài, và đã đi ngược lại với tiếng Lương Tâm.
Sống
Lời Chúa:
+ Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trong tâm tình của những
người con đã được Thiên Chúa yêu thương. Nhận ra tình yêu của Người và chia sẻ
tình yêu đó cho người khác. Khi đã lựa chọn Chúa là mục đích, lẽ sống, thì cũng
đón nhận những lời giáo huấn dạy dỗ của Ngài như khuôn vàng thước ngọc, thi
hành luật Chúa trong lòng mến. Tránh tình trạng như Hêrôđê luôn tìm cách loại
trừ Đức Giêsu chỉ vì những điều tốt đẹp Ngài đã làm, hay như những người Biệt
Phái, vì sợ phiền hà, liên lụy, sợ hãi hay vì không chấp nhận chân lý của tình
thương mà đã lợi dụng gió để bẻ măng, tiếp tay cho sự gian ác để đồng lõa loại
bỏ Đức Giêsu.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng
con biết cảm nghiệm được tình yêu mà Chúa dành cho chúng con. Đồng thời luôn sống
trong tình yêu đó bằng việc đón nhận Chúa như lẽ sống của cuộc đời và chia sẻ
tình yêu đó cho người khác.
Lẽ sống:
Viên
đá quý
Edith
Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần
nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức
năm 1987.
Stein
theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng
là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh.
Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng
vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên
14 tuổi, Edith Stein đã mất hòan toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ
Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục
theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của
cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như không thể vượt
qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là
điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người
thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy
vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith
Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người
phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong
ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính
Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời
còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh,
Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với
tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập
giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại
tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi
cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến. Ở đâu và bất cứ lúc
nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc
sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để
cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được
câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng
không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong
thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng
thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo
Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng
ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy
Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận
thù và thất vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét