Chúa nhật truyền giáo
PHÚC ÂM: Mt 22,15-21
“Của Xê-da, trả về Xê-da ; của
Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
15
Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su
phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người
phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là
người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng
vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : có
được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?” 18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói
: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! 19 Cho
tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người
hỏi họ : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21 Họ đáp : “Của Xê-da.” Bấy giờ,
Người bảo họ : “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên
Chúa.”
Suy niệm:
Đời sống chứng nhân
Hôm
nay, ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem: Truyền giáo là gì?
Chúng ta phải truyền giáo thế nào?
Trước hết, truyền giáo là gì? Truyền là truyền
bá, truyền thông, chuyển giao, rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo
giáo, Tin Mừng, Phúc âm… Truyền giáo là truyền bá đạo, là rao giảng Phúc âm, là
loan truyền chân lý của Chúa cho người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa hẹp,
nghĩa chặt và chính xác. Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là lập những cộng đoàn
Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như Giáo hội mong muốn.
Nói khác đi, truyền giáo là “trồng” Giáo hội vào các dân tộc, các địa phương,
cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, thành một đoàn
chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo
lý, nhưng là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng
hằng sống, đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn sống, có khả năng thay đổi, biến cải
những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại
được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Kitô mà chúng
ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho chuyển nhựa sống sang cho cành
nho. Sau hết, truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố, tăng cường, huấn luyện
đức tin cho một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ lại ra đi truyền giáo cho những
người khác.
Những
ý nghĩa trên đây cho thấy hai chiều của việc truyền giáo: chiều rộng và chiều
sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ
Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở
rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những
người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại
tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo
chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người
Công giáo sốt sắng, đạo đức. Việc
phân biệt ý nghĩa như trên đây rất quan trọng để chúng ta hiểu rõ hơn việc truyền
giáo, vì truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho những người ngoại, những
người lương, những người chưa biết được biết và yêu mên Chúa, nhưng còn có
nghĩa là truyền giáo cho cả những người Công giáo sống trong một họ, một xứ với
chúng ta nữa. Chúng ta phải sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm
gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa. Đó
là ý nghĩa của việc truyền giáo. Và như vậy tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ
truyền giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải là một việc làm
tùy sở thích, muốn làm hay không cũng được. Nhưng đây là một bổn phận, một nhiệm
vụ bắt buộc. Mỗi người chúng ta phải coi đây là vấn đề sống đạo, là vấn đề sinh
tồn của Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình.
Vậy chúng ta phải truyền giáo thế nào?
Có rất nhiều cách. Chúng ta muốn dùng cách nào cũng được, nhưng nhất thiết phải
thi hành hai cách này là cầu nguyện và đời sống chứng nhân: Cầu nguyện cho việc
truyền giáo là cách thức rất quan trọng: cầu nguyện cho những người đi truyền
giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời
Chúa. Cụ thể như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo,
chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo
Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh
Phanxicô Xaviê. Xin anh chị em hãy suy nghĩ: Chúng ta có thường xuyên thi hành
việc này không? Chúng ta có cầu nguyện cho việc truyền giáo không? Nếu không
thì đó là tội thiếu sót, bỏ việc phải làm. Thứ hai là truyền giáo bằng chính đời
sống chứng nhân của mình: Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó
là truyền giáo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân
thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống
tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương bày
lôi kéo". Chúng ta hãy suy nghĩ: đời sống chúng ta hiện nay có làm chứng
cho Chúa, cho đạo không?
Cầu
nguyện:
Sống tử tế là
sống vui tươi, sống lạc quan, sống biết điều, sống lịch sự, sống cảm thông, sống
yêu thương với mọi người, sống như thế là chúng ta đang góp phần làm cho danh
Chúa được cả sáng và nước Chúa được trị đến, tức là chúng ta đang truyền giáo vậy.
Lẽ sống:
Ôi
Giêsu, Ôi Giêsu!
Jeanne D'Arc, một cô gái quê, đã nghe
theo tiếng gọi từ trời cao để cầm quân đánh đuổi người Anh ra khỏi đất Pháp. Nhờ
chiến thắng này, hoàng tử Charles đã được đăng quang làm vua nước Pháp. Nhưng
sau đó trong một trận chiến khác, Jeanne D'Arc bị bại trận, cô bị người Anh bắt
giữ và kết án hỏa thiêu. Trong những giờ phút cuối cùng cô chỉ còn trơ trọi một
mình: người mẹ thân yêu ở cách xa ngàn dặm, vua Charles không muốn bỏ tiền ra để
chuộc cô, các tướng lãnh và binh lính đã từng sát cánh bên cô cũng đã bỏ chạy
trốn hết. Chỉ còn lại âm thanh lúc nào cũng trung thành với cô: đó chính là tiếng
kêu của cô. Trong
cơn đau đớn cùng cực, người thiếu nữ đã kêu lớn: "Ôi
Giêsu, ôi Giêsu!". Quả thật, dù lòng người có bội bạc phôi
pha, Chúa Giêsu vẫn luôn ở với cô và luôn an ủi đỡ nâng cô.
Tin
tưởng là tiếp tục yêu mến cho dù trong từng phút giây ta có bị người đời bỏ
rơi, phản bội. Yêu là tin rằng ta có thể trung thành trước những bất trung của
người khác và những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta đứng vững trong niềm tin vì cho dù
xung quanh ta không còn một bóng người, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét