Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
PHÚC ÂM: Mt 21,33-43
“Ông chủ sẽ cho các tá điền khác
canh tác vườn nho.”
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
33
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông
hãy nghe dụ ngôn sau đây : Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho ; chung quanh
vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh.
Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các
tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người
này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước ;
nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai con trai mình đến
gặp chúng, vì nghĩ rằng : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người
con, thì bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy
gia tài nó !’ 39
Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. 40 Vậy
khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” 41 Họ đáp : “Ác giả ác báo, ông sẽ
tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ
nộp hoa lợi cho ông.” 42 Đức Giê-su bảo họ : “Kinh Thánh có câu : ‘Tảng
đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của
Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này
sao ? 43
“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho
các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”
Suy niệm:
Làm việc
Bài
Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự
thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri. Vườn nho ám chỉ nước Chúa, được trao cho dân Do
Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh
đạo, là những người đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được
Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc giết chết. Trước thái độ bất nhân bất
nghĩa đó, nước Chúa được chuyển sang một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ
quát và Công giáo, sẽ lan tràn đến tất cả mọi quốc gia.
Chúng
ta thấy dụ ngôn vừa có tính cách lịch sữ vừa có tính cách tiên tri, nghĩa là một
đàng diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch
sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với
họ. Đàng khác, nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan tràn khắp các dân không phải dân
Do Thái. Hơn nữa,
dụ ngôn cũng cho chúng ta thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Những người
được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng đến đâu như Elia, Isaia, Giêrêmia, Gioan
Tiền Hô... cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha.
Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng lưu ý và ghi nhớ. Sau đây
chúng ta tìm hiểu một điều thôi, đó là các tá điền làm vườn nho. Bài Tin Mừng
cho biết: ông chủ vừa trồng xong vườn nho, lẽ ra ông phải chăm bón để kiếm hoa
lợi, nhưng ông lại cho các tá điền canh tác để đến mùa thu hoa lợi. Điều này
nói lên ông chủ tín nhiệm các tá điền. Nhưng có những tá điền đã không làm đúng
công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng.
Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông chủ. Chúng ta có thể áp dụng như sau: mỗi người chúng ta
là một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho, là những ơn phúc và
chúng ta có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài để cho chúng ta hoàn
toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những
việc chúng ta làm.
Thực vậy, những ơn phúc
Chúa ban như những tài năng tinh thần, những của cải vật chất, chúng ta phải biết
sử dụng chúng để sinh lợi tối đa, tức là chúng ta phải làm việc và làm lợi cho
Chúa. Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn
liếng khác nhau về nơi chốn, thời gian, khả năng, dịp tiện. Mỗi người, không ai
giống ai cả, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng Chúa ban. Chúng ta
không giống nhau về khả năng, nhưng có thể giống nhau về cố gắng. Thà cố gắng mà không
có tài còn hơn có tài mà không cố gắng làm lợi cho Chúa.
Vậy
mọi người chúng ta đều có một điều giống nhau, đó là đời sống để làm việc: việc
lớn, việc nhỏ. Đa số chúng ta ai cũng muốn làm việc lớn, được nhiều lợi, được
người khác biết đến. Nhưng Chúa bảo chúng ta hãy làm việc nhỏ. Chúng ta cần trung
tín trong việc nhỏ bé trước đã. Chỉ khi nào chúng ta làm được những việc nhỏ
bé, chúng ta mới có khả năng làm những việc lớn lao hơn. Những việc nhỏ chính
là nấc thang đưa tới thành công lớn. Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu
trước hết họ không làm được những việc nhỏ cho Ngài. Nếu chúng ta không trung
thành trong việc nhỏ thì không ai tin tưởng trao cho chúng ta việc lớn hơn.
Chúng ta hãy nhớ: không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, và cũng không có
việc gì quá nhỏ mà không đem lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay
không.
Có
một câu chuyện ngụ ngôn, với tựa đề là "vị thiên thần dễ tính" kể lại
như sau: Ngày kia, có hai người xin vị thiên thần cho họ được tham dự vào quyền
vạn năng của Thiên Chúa. Vị thiên thần đồng ý. Người thứ nhất xin cho có khả
năng làm được những công việc vĩ đại. Vị thiên thần gật đầu ưng thuận, nhưng lại
ra điều kiện: "Ngươi sẽ được quyền lực để hoàn thành những kỳ công. Nhưng
ngươi lại không có sức làm những việc thông thường". Chàng ta đọc được ý
nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau
chàng đã trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh của chàng. Chàng ta rất
hài lòng với những thành công đã đạt được. Nhưng chẳng bao lâu, từng người một,
các bạn bè lần lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì được để giữ họ lại.
Sau đó cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi. Chàng cũng không làm gì được để nối
lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khoẻ cũng giã biệt chàng, thân thể trở nên bạc
nhược, đến nỗi chàng không còn đi đứng được nữa, chàng bất lực, chẳng làm gì được
để phục hồi sức khoẻ ngoài việc ngồi trên xe lăn để đếm từng ngày cô đơn.
Ngược
lại, người thứ hai chỉ xin được có khả năng làm tới những việc bình thường. Vị
thiên thần cũng đồng ý và nhắn thêm: "Thiên Chúa sẽ không cho ngươi quyền
lực nào đặc biệt để hoàn thành những việc phi thường đâu". Chàng bình thản
tiếp tục sống cuộc đời của mình, hằng ngày chàng vui vẻ chu toàn nghĩa vụ của một
công dân lương thiện, một người chồng chung thuỷ, một người cha hiền tận tuỵ với
con cái, một người bạn, một người láng giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng
cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thật vui tươi và hạnh phúc. Chàng không còn ước
muốn gì hơn là được tiếp tục sống trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân
trong những gì bình thường nhất với một niềm tri ân sâu thẳm.
Biết nhìn ra những giá
trị của những điều bình thường trong cuộc sống, con người mới có khả năng khám
phá được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa cất giấu trong đời họ. Từ
đó con người cũng sẽ kín múc được sức mạnh dồi dào để phát huy những giá trị của
bản thân, của cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Tóm lại, chúng ta hãy
siêng năng làm việc để chu toàn bổn phận của mình. Chúng ta hãy tận dụng tài
năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự
nghiệp đức tin trên nước trời.
Cầu
nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
xin Mẹ khẩn cầu Chúa ban cho mỗi người chúng con được bắt chước gương sống của
Mẹ: Khiêm tốn, vâng phục, chấp nhận thưa "xin vâng" với Chúa trong mọi
nghịch cảnh của cuộc đời: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời
Ngài truyền". Nhất là chúng con xin Mẹ giúp cho mỗi người chúng con luôn
luôn sống trong thái độ biết ơn Thiên Chúa, cố gắng hết mình để làm vườn nho mà
Ngài đã trao phó cho mỗi người chúng con, để cây nho được trổ sinh nhiều hoa
trái tốt đẹp. Xin Thiên Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin mà giờ đây
chúng con cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
Lẽ sống:
Sứ
điệp của một người tàn tật
Hằng
năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức
để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành
hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không
tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau
trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm
một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi
cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt
mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người
không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên
giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu
nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi
nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự
an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì
tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ.
Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén
này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý
Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại.
Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống.
Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất
bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc,
khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi
cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như
lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để
cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán:
"Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại
Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói
được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một
miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi
liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi.
Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau:
"Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông
Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt,
tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với
Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay.
Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay,
sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của
tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".
Ðã
có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ
có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của
những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những
phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần
lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác
cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống,
tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện
qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu
cầu Chúa thực hiện.
Nhìn
lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa
ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục
sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện
cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong
cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét