Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư sau lễ Hiển Linh năm B. 07.01.2015

Thánh Rây-mun-đô, linh mục
PHÚC ÂM:   Mc 6,45-52
“Các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
45 Sau khi cho năm ngàn người được ăn no nê, lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, về phía thành Bết-xai-đa, trong lúc Người giải tán đám đông. 46 Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông, và Người định vượt các ông. 49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52 vì các ông đã không hiểu phép lạ bánh hoá nhiều : lòng các ông còn chai đá !
Suy niệm:

Ngay lúc này đây nếu Chúa hỏi mỗi người chúng ta có tin Chúa là Thiên Chúa, là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự hay không? Chắc hẳn nhiều người Kitô hữu chúng ta sẽ trả lời ngon lành là "tin". Đó chỉ là niềm tin lý thuyết.         
Nhưng khi trở về với cuộc sống thực tế, đối diện với biết bao khó khăn thử thách, thử hỏi có mấy ai áp dụng và sống những gì mình tin? Có lẽ là ít lắm! Các Tông đồ xưa kia cũng vậy. Họ theo Chúa, họ tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, tin Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự; nhưng thực tế câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay thì trái ngược hẳn. Khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển thì các ông cuống cuồng lên vì sợ hãi, dù mới trước đó các ông chứng kiến phép lạ cả thể của Chúa Giêsu.       
Từ đó chúng ta thấy có hai loại niềm tin: niềm tin lý thuyết và niềm tin thực hành; lý thuyết thì hay lắm, vững chắc lắm; còn thực hành thì dở ẹc, yếu ớt. Và đó cũng chính là thực trạng chung của đại đa số Kitô hữu chúng ta.
Ở một nơi khác trong Tin Mừng Thánh Matthêu, sau khi các môn đệ không thể chữa cho đứa bé bị bệnh phong, Chúa Giêsu nói: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "Rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được" (Mt 17,20). Ý Chúa Giêsu muốn nói, mọi sự đều có thể đối với những ai có lòng tin. Nhưng có một thắc mắc nhỏ là, sao Chúa Giêsu không dùng những hạt khác để so sánh mà lại dùng hạt cải, là loại hạt nhỏ nhất so với các hạt? Lẽ dĩ nhiên, đức tin không có một hình dạng, nhưng khi dùng hình ảnh một loại hạt nhỏ nhất như hạt cải thì ý Chúa muốn nói đức tin của chúng ta quá nhỏ bé, quá mong manh.
Nhìn lại đời sống, dường như mọi vấn đề đều hệ tại ở đức tin; hay nói cách khác, nếu chúng ta có đức tin vững vàng thì mọi vấn đề trong đời sống sẽ được giải quyết một cách dễ dàng. Tại sao tôi buồn, tại sao tôi chán nản? Tại sao tôi phạm tội? tại sao tôi chưa được biến đổi nhiều? Thưa, bởi vì tôi chưa tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa; bởi vì tôi chưa tin vào phần thưởng mà Chúa hứa ban cho tôi trong sự sống đời sau; bởi vì tôi kém tin, tôi tin chưa đủ, hay chỉ tin nửa vời.
Xin đưa ra một kinh nghiệm cụ thể, nếu tôi tin Chúa hiện diện khắp mọi nơi thì làm sao tôi dám lừa gạt, làm sao tôi dám phạm tội, làm sao tôi dám....? và nếu tôi không tin Chúa Giêsu thì làm sao tin sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể? Nếu tôi không tin sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể, thì làm sao tôi tin sự hiện diện của Chúa nơi cuộc sống, nơi những gì tôi gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày?
Con người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ mất những gì đang sở hữu, sợ đau vì phải chịu đủ thứ bệnh tật, sợ ma quỉ, sợ chết, và sợ bị Thiên Chúa phạt. Những nỗi sợ hãi này làm con người trở nên nhát đảm, không dám sống và làm chứng cho sự thật. Sợ hãi tự nó không xấu, nhưng nếu sau khi được thuyết phục bởi lý trí không nên sợ, mà con người vẫn sợ, lúc đó sợ hãi trở thành tội. Khi nào con người không còn sợ hãi nữa, lúc đó con người mới thực sự biết sống.
Các Bải Đọc hôm nay xoay quanh tình yêu và sợ hãi.
Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan quả quyết: “Tình yêu hoàn hảo loại trừ sự sợ hãi.” Nếu con người thực sự tin vào tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì, vì Thiên Chúa hằng yêu thương, quan tâm, và săn sóc mọi sự cho con người.
Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ bị chìm thuyền vì gió bão, các ông sợ vì có người đi cạnh thuyền như bóng ma; nhưng Chúa Giêsu củng cố niềm tin của các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Sống Lời Chúa:
Sợ hãi là khuynh hướng tự nhiên của con người; nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sợ hãi trong cuộc đời, để có thể sống bình an và đạt được ý nghĩa của cuộc sống.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được tràn đầy ơn Chúa để sống yêu thương và phục vụ nhau.

Lẽ sống:
33 năm sau

Với tựa đề "33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại như sau: "Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.
Câu hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?". Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử "tử hình thập giá".
Thất vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người. Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm".
Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?". Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: "Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài".

Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người. Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.
Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét