Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật III Thường Niên năm B. 26.01.2015

Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục - lễ nhớ
PHÚC ÂM:   Mc 3,22-30
“Xa-tan đã tận số.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
22 Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”
Suy niệm:

Hôm nay Giáo Hội Kính nhớ Thánh Timôthêô và Titô.
Bài đọc một trích trong đoạn đầu của thư thứ 2 của thánh Phaolô gởi cho Timôthêô. Nội dung của đoạn này Phaolô biểu lộ tình cảm đặc biệt của mình dành cho Timôthêô, đồng thời nhắc ông về truyền thống gia đình của ông, một truyền thống tốt đẹp với một niềm tin vững vàng vào Chúa. Phaolô nhắc nhở Timôthêô phải giữ gìn và phát huy đức tin mà ông lãnh nhận từ truyền thống gia đình, và phải can đảm làm chứng cho Chúa.
Bài tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin mừng. Nước Thiên Chúa đã đến gần, và việc rao giảng Tin mừng hết sức cần thiết va cấp bách: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
Đức tin mà mỗi Kitô hữu chúng ta có được là do Thiên Chúa ban qua giáo hội và đặc biệt qua những người thân của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn đức tin đó, đồng thời chúng ta cũng không quên nhiệm vụ là rao giảng Tin mừng cho người khác. Thông thường người ta thường hiểu nhiệm vụ rao giảng Tin mừng chỉ dành cho những người có ơn gọi đặc biệt như linh mục, tu sĩ…Tuy nhiên, ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là ngày chúng ta mang trong mình sứ mạng rao giảng Tin mừng. Mỗi người chúng ta hãy đáp ứng lời kêu gọi của Chúa “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” và chính chúng ta hãy trở thành những thợ gặt lành nghề của Chúa.
Đối với Chúa Giê-su, công việc truyền giáo không phải là việc riêng lẻ của cá nhân, mà là việc của toàn thể Giáo Hội, của cộng đoàn. Vì thế, Chúa chọn bảy mươi hai môn đệ, sai họ đi từng hai người một.
Chọn bảy mươi hai môn đệ để những người truyền giáo không phải là những cá nhân rời rạc, nhưng là một cộng đoàn cùng chung một sứ mạng; sai đi từng hai người một để giúp đỡ lẫn nhau trên con đường truyền giáo; không cần chuẩn bị thức ăn riêng, nhưng cứ dự phần với cộng đoàn.
Người Pha-ri-sêu mỗi khi đi đường, họ thường chuẩn bị thức ăn riêng cho mình, vì họ sợ những thức ăn khác không “thanh sạch”, không phù hợp với luật Do Thái, hoặc mang theo tiền để có thể tìm kiếm thức ăn thanh sạch.
Người truyền giáo không như thế, họ được mời gọi chia sẻ với cộng đoàn mình được sai đến, “cứ ăn những gì người ta dọn cho,” cứ ngồi chung bàn với cộng đoàn và không sống tách biệt. Điều duy nhất nhà truyền giáo phải mang theo là bình an; và sự bình an cũng là điều trước tiên mà Chúa Giê-su muốn các môn đệ đem đến cho thế giới.


Sống Lời Chúa:
Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để tránh những mâu thuẫn và phán xét không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tương và sợ người khác hơn mình.
Chúng ta phải luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết trân trọng gìn giữ và biết làm chứng về đức tin của mình cho những người xung quanh.

Lẽ sống:
Quốc Khánh Của Australia

Hôm nay 26 tháng 01 là ngày quốc khánh của người Australia.
Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.
Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước. Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này, thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được khai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.
Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.
Câu chuyện lập quốc của nước Australia có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.
Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm cho một công trình mới tốt đẹp hơn.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại ngày hôm qua.
Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtêmang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những dân tộc ở ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ.
Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật.
Ôn lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này, chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét