Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật II Thường Niên năm B. 19.01.2015

PHÚC ÂM:   Mc 2,18-22
“Chàng rể còn ở với họ.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”
Suy niệm:
Việc các môn đệ của Gio-an Tẩy giả và của phái Pha-ri-sêu ăn chay, trong khi môn đệ của Thầy Giêsu lại không khiến có người thấy “chướng mắt”.
Phải chăng những người này đã khéo “lựa lời” hỏi tại sao trò không giữ luật Môsê để gián tiếp “sửa lưng” Thầy đã dung túng cho trò vi phạm?
Đã thế, người hỏi còn ngầm so sánh cho rằng môn đệ của Gio-an Tẩy giả cũng như của người Pha-ri-sêu mới đích thực trung thành với luật cha ông! Một câu hỏi với nhiều hàm ý! Chúa Giê-su minh họa câu trả lời của Ngài bằng nhiều ví dụ: vải mới mà vá vào áo cũ, rượu mới mà đổ vào bầu da cũ là không phù hợp.
Cũng thế, xét bề ngoài, ăn chay là giống nhau, nhưng ăn chay vì ai, vì cái gì thì rất khác biệt. Môn đệ của Thầy Giê-su ăn chay hay không là vì “chàng rể”, là vì chính Ngài, là Đấng Ki-tô.
Các Bài Đọc hôm nay cũng xoay quanh sự xung đột giữa cũ và mới.
Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái dùng tiêu chuẩn cũ để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế mới có khả năng đem Thiên Chúa đến cho con người và đem con người về cho Thiên Chúa; vì Ngài vừa có kinh nghiệm của Thiên Chúa, vừa có kinh nghiệm của con người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng câu hỏi của những người thuộc thời đại cũ để giúp họ nhận ra thời đại mới đã bắt đầu; họ cần có tâm hồn mới để lãnh nhận giáo lý mới của Ngài mang đến.
Trong mỗi giai đoạn của lịch sử cứu độ đều có những ngôn sứ hay những chứng nhân khác nhau để giới thiệu Thiên Chúa cho con người hoặc kêu gọi con người sống phù hợp với lời mời gọi của Thiên Chúa và đưa con người đến với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “bình mới rượu mới và bình cũ rượu cũ” để nói đến một đời sống của con người trong thời đại.
Ông Gioan tẩy giả là một ngôn sứ. Ông đến để kêu gọi con người trong thời đại của ông chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến. Chính vì thế các môn đệ Gioan sống với tâm tình sám hối, dọn đường và chờ đợi.
Chúa Giêsu, chính là Đấng Cứu Thế đã đến, đã hiện diện và đã sống với con người để cứu vớt con người, đưa con người trở về với Thiên Chúa. Vì thế các môn đệ của Chúa phải sống trong tâm tình vui tươi phấn khởi vì có Chúa đang ở cùng.

Sống Lời Chúa:
Ăn chay trong khiêm tốn, trong phục vụ và trong yêu thương.
Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để đón nhận những điều mới lạ từ Thiên Chúa và tha nhân. Một tâm hồn khép kín và thái độ hay chỉ trích sẽ không làm cho chúng ta tiến xa được.
Dĩ nhiên chúng ta không đón nhận tất cả các cái mới và loại bỏ các cái cũ; nhưng biết dùng trí khôn để thích ứng với hoàn cảnh: giữ lại những gì tốt, thâu nhận những gì mới, và cải tiến để làm cho tốt hơn.
Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở tôi cần có một đời sống phù hợp. Đó là phù hợp với đức tin, phù hợp với bổn phận, phù hợp với ơn gọi, phù hợp với môi trường, phù hợp với lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống hiện tại.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho con biết lắng nghe và đón nhận lời Chúa dạy, lắng nghe và đón nhận những chỉ dẫn của những người có trách nhiệm, lắng nghe và đón nhận chính bản thân mình để đời sống của con phù hợp ý Chúa trong cuộc đời.

Lẽ sống:
Bàn chân năm ngón

Một người thanh niên tên là Tony Melendez bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người kể từ khi Ðức Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ dạo mùa hè năm 1987. Nhiều người đã chứng kiến buổi lễ tiếp đón Ðức Thánh Cha hôm đó và khó quên hình ảnh vô cùng cảm động khi vị Giáo Hoàng bước xuống từ một lễ đài cao để ôm hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn Guitar của mình. Ðiều gì đã làm cho khung cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy đã trở nên luyến nhớ cho nhiều người?
Tony là hiện thân của niềm Hy Vọng. Tony đã chào đời không có hai cánh tay. Nhưng Tony đã vận dụng những ngón chân của mình để học đàn guitar. Không những thế, anh còn dùng chân trong nhiều công việc khác như xếp quần áo, vắt một ly nước chanh.
Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. 
Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh: "Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng guitar một cách tuyệt diệu như thế?". Anh đã trả lời như sau: "Tôi đã cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo thánh ý Chúa. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhậm lời tôi".
Không ai trong chúng ta chọn lựa được sinh ra hay không sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta chọn lựa được làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo hèn. Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với cả một định mệnh. Người ta vẫn nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người kém may mắn.
Nhưng trong ánh mắt Tình Yêu của Thiên Chúa, thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Trong chương trình Quan Phòng của Ngài, mỗi người, dù nhỏ bé hèn mọn, dù tàn tật bất hạnh đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng. Do những bất trắc của thiên nhiên, hay do hậu quả của tội lỗi, nhiều người phải sinh ra với tất cả một gánh nặng của bất hạnh. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc vì những hư hỏng ấy, Ngài luôn có một chương trình cho mỗi người. Lắm khi chúng ta thấy được những kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện qua những bất hạnh, mất mát của con người.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét