Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật I Thường Niên năm B. 16.01.2015

Thánh Bê-ra-đô và các bạn tử đạo, tử đạo tiên khởi trong Dòng - lễ kính
PHÚC ÂM:   Mc 2,1-12
“Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Người nói lời Thiên Chúa cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt : “Này con, tội con được tha rồi.” 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng : 7 “Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ : “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy ? 9 Trong hai điều : một là bảo người bại liệt : ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo : ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn ? 10 Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, –Đức Giê-su bảo người bại liệt–, 11 Ta truyền cho con : Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà !” 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !”
Suy niệm:

Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng. Có những căn bệnh mà người Do Thái cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên bệnh nhân vì họ tội lỗi.
Tin Mừng hôm nay cho thấy người bất toại bất lực không làm gì được, anh ta phải cần đến người khác giúp đem mình đến gần Đức Giêsu để xin Ngài chữa lành.
Từ một đôi chân tưởng chừng như không bao giờ anh đi được, nhưng với lòng tin tưởng vào Đức Giêsu, anh đã được chữa trị cả bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn: “Tội con đã được tha rồi!”“Hãy đứng dậy, vác chõng của con mà đi về nhà!”. Anh trút được cái ách nặng nề. Cuộc sống của anh bắt đầu tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Thiên Chúa đã dạy dỗ và hướng dẫn con người mọi sự, ngày xưa cũng như thời nay; nhưng rất ít người chịu lắng nghe, tìm hiểu, và mang ra thực hành.
Vì thế, không lạ gì mà con người vẫn tiếp tục cuộc sống triền miên đau khổ trong tội lỗi của mình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lắng nghe và đáp trả Lời Chúa.
Trong Bài Đọc I, Tác giả Thư Do Thái nhấn mạnh đến việc: nếu con người không chịu tuân giữ Lời Chúa dạy, họ sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng uy quyền chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội; và như một hiệu quả, Ngài đến từ Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa:
Siêng năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải cách ý thức, vì đây là phương tiện chính thức Chúa dùng để chữa trị chúng ta.
Mỗi chúng ta đều là một bệnh nhân cần được chữa trị, một tội nhân cần được thứ tha. Mang những thương tích trong tâm hồn mình đến với Chúa với lòng tin mạnh mẽ, chắc chắn ta sẽ được Chúa chữa trị và tìm lại được sự bình an, thanh thản và niềm hạnh phúc sâu xa. Liên đới trong đức tin và đức ái, chúng ta cũng cần giúp ‘khiêng những anh chị em bất toại’ xung quanh mình đến với Chúa để được Người chữa lành.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng con cùng cộng tác với nhau để đem những con người bệnh tật thể xác cũng như tinh thần đến gặp Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn giữ vững đức tin và lòng trông cậy để thực hiện đức ái.

Lẽ sống:
Giấc mơ của Mẹ Têrêxa Calcutta

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Ái chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau: "Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ".
Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng".
Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.
Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng".
Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét