Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba sau lễ Hiển Linh năm B. 06.01.2015

PHÚC ÂM:   Mc 6,34-44
“Khi hoá bánh ra nhiều, Đức Giê-su tỏ mình là ngôn sứ.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
34 Khi ấy, Đức Giê-su thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa : “Nơi đây hoang vắng và giờ đã khá muộn. 36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” 37 Người đáp : “Chính anh em hãy cho họ ăn đi !” Các ông nói với Người : “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao ?” 38 Người bảo các ông : “Anh em có mấy cái bánh ? Đi coi xem !”. Khi biết rồi, các ông thưa : “Có năm cái bánh và hai con cá.” 39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. 41 Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. 42 Ai nấy đều ăn và được no nê. 43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. 44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.
Suy niệm:

Phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện trong bài Tin Mừng hôm nay chắc hẳn là quá quen thuộc đối với mỗi người chúng ta. Nó quen thuộc không chỉ vì được ghi lại trong cả 4 sách Tin Mừng, mà còn vì phép lạ này liên hệ chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể, với Thánh Lễ mà chúng ta cử hành ngày hôm nay. Thực vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh báo trước cho Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong buổi tiệc ly. Và phép lạ này thực sự vẫn luôn được tiếp diễn hằng ngày, hằng giờ qua các Thánh Lễ được cử hành trên khắp thế giới.
Có rất nhiều điều để chúng ta có thể chia sẻ trong phép lạ này nhưng chỉ xin dừng lại ở một chi tiết nằm ở ngay đoạn đầu tiên của bài Tin Mừng, đó là sự “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu: “Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34).
Khi nhìn lên thì chúng ta thấy mình không bằng ai, nhưng khi nhìn xuống thì thấy không ai bằng mình. Tôi được may mắn đến với những giáo xứ nghèo, quê mùa, nên thấy rõ điều đó. Họ không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo về tinh thần nữa, để rồi nghèo cứ nghèo, ngóc đầu lên không nổi. Cái nghèo có khi không do họ, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu thốn, để rồi đưa họ đến số phận như thế.
Chắn hẳn khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, những khó khăn vất vả và đau thương ai cũng sẽ phải chạnh lòng thương. Thế nhưng, đằng sau cái “chạnh lòng thương” đó là gì mới quan trọng. Đứng trước biết bao cảnh đời khó khăn, chúng ta dễ có ý nghĩ, một mình tôi thì làm được gì. Chúng ta cứ muốn đòi phải làm cái gì đó lớn lao, hoành tráng, mọi người thấy; nhặt 1 cọng rác thì có thấm gì đâu so với con đường đầy rác. Đó là suy nghĩ của con người chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ “chạnh lòng thương”, mà cái “chạnh lòng thường” của Ngài còn đưa đến hành động cụ thể. Ngài dạy dỗ họ và chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Ngài không để cho họ tự tìm thức ăn. Ngài bảo các môn đệ rằng: "Anh em hãy cho họ ăn". Và Ngài đã thực hiện một phép lạ để cho họ ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá.
 “Một con chim én không làm nên mùa xuân”, nhưng ít ra nó cũng là dấu chỉ báo hiệu mùa xuân đang đến. Thật vậy, sự cố gắng của chúng ta hay một vài cá nhân nào đó thiết nghĩ không thể đem thế giới này trở lại tình trạng tốt đẹp ban đầu; nhưng sự cố gắng đó cũng làm nên những dấu chỉ của niềm hy vọng thế giới sẽ được biến đổi cách nào đó mà chỉ có Chúa mới biết. Cũng vậy, 5 chiếc bánh và 2 con cá chẳng là gì so với hơn 5000 người đàn ông; nhưng với Chúa thì không gì là không thể. Và ngày hôm nay, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài nuôi sống linh hồn của toàn thế giới.

Sống Lời Chúa:
Mỗi hành động yêu thương của chúng ta dành cho tha nhân, cũng chính là sự quan phòng của Chúa dành cho họ; qua chúng ta mà Chúa đến với con người, nhất là những người nghèo khổ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, trong thế giới ngày hôm nay, vẫn còn biết bao cảnh đời khó khăn gian khổ, họ đang cần đến chúng con, xin cho chúng con trở nên những cánh tay nối dài của Chúa, biết trao ban cho người khác những gì mà chúng con đã được nhận lãnh; và sẵn sàng chia sẻ mọi thứ mà chúng con có.

Lẽ sống:
Vị vua thứ tư

Hôm nay lễ Ba Vua. Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông không còn gì để dâng tặng Ngài.
Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế nhưng dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.
Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình.
Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ.
Mùa Giáng Sinh là mùa của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm người. Bất ngờ của một thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc những người nghèo hèn nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những người dân ngoại tìm đến triều bái Vua các vua. Nhưng điều khiến con người sẽ không bao giờ ngờ đến: đó là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét