Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy sau Chúa nhật II Thường Niên năm B. 24.01.2015
Thánh Phan-xi-cô đờ Xan, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh - lễ nhớ
PHÚC ÂM:   Mc 3,20-21
“Thân nhân của Người nói rằng Người đã mất trí.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
20 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Suy niệm:
Việc hiểu lầm người khác thường ẩn giấu bên trong một sự vu khống. Đức Giêsu, dù không muốn điều đó, nhưng thực tế vẫn bị người do thái chống đối, vì hiểu lầm. Ngay cả những người thân trong gia đình của Ngài cũng bối rối vì nghe người ta nói là Ngài mất trí. Họ muốn bảo vệ Ngài.
Những ai không chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu thì họ chỉ có một việc để làm là vu khống. Những ai quay lưng lại với sự thật thì ở trong gian dối và không hiểu rằng Đấng Messia đến là để mạc khải sự thật. Tệ hại hơn nữa, họ không hiểu rằng sự mới mẽ của kitô giáo chính là sự kiện Đức Giêsu Kitô, chính bản thân Ngài là Lời Chân Lý, mạc khải của Chúa Cha, ánh sáng của Thánh Thần.
Số phận của Đức Giêsu cũng chính là số phận của những người theo Ngài. Chúng ta gặp những chứng từ ấy nơi cuộc đời các thánh. Những người đương thời của họ cũng thường xem họ là những người mất trí. Nhiều người đã bị hành hình, và giáo hội đã tôn vinh họ là thánh tử đạo, họ là những chứng nhân niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Người gắn bó với Đức Giêsu Kitô nên biết rằng họ sẽ uống cùng một chén với Ngài.
Sự điên rồ của Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cor 1,22-25). Việc ở với Đức Giêsu đòi hỏi một sự thay đổi từ tư tưởng con người thành tư tưởng của Thiên Chúa. Không có sự đổi thay tận căn này của tâm trí, người ta vẫn ở bên ngoài gia đình của Ngài cho dù họ muốn điều tốt cho Ngài đi chăng nữa. Không có sự đổi thay tận căn này, người ta không yêu mến Ngài, mà chỉ yêu mình và những dự tính của riêng mình. Đó không phải là tình yêu mà là ích kỷ, muốn đồng hóa Ngài với mình, trong khi cần phải làm chiều ngược lại, đồng hóa mình với Ngài. Ngay cả trong lời cầu nguyện cũng thế, luôn có cơn cám dỗ cầu xin Thiên Chúa làm theo ý mình mà không để mình làm theo ý Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm bốn dòng, đúng hai câu, nhưng rất hàm súc thông tin. Một đạo diễn lành nghề có thể dựng nên các cảnh phim sống động, trong đó nhân vật chính là chính Đức Giêsu với đầy những nét khắc họa sự bận rộn của Ngài: nào là rao giảng cho dân, nào là chữa lành bệnh nhân, xua đuổi thần ô uế (x. Mc 3,1-12); bận rộn với việc tuyển chọn các tông đồ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ (cc. 13-19); vẫn không hết bận rộn vì đám đông vẫn bám riết lấy Ngài khiến Ngài và các môn đệ thậm chí không có giờ để ăn uống! Có lẽ vì thế mà thân nhân Ngài cho rằng Ngài mất trí!

Sống Lời Chúa:
Trong đời sống đạo hay trong ơn gọi của mình, nhiều lúc tôi cũng có những suy nghĩ và thái độ giống như những người bà con và họ hàng của Chúa Giêsu. Tôi cũng tính toán hơn thua. Tôi cũng so đo hẹp hòi vì không muốn mất mát hy sinh. Tôi cũng trốn tránh hay thoái thác những công việc hay những bổn phận mà lẽ ra tôi phải làm trong cuộc sống thường ngày.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa để mỗi ngày con chu toàn bổn phận của mình, nhất là dấn thân trong việc loan báo tin mừng cho dù phải gặp nhiều thử thách và cản trở.

Lẽ sống:
Hãy triệt hạ thập giá

Gibert Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: "Bầu trời và Thập Giá".
Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc.
Khi máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáo.
Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: "Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Ông nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ của giáo xứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất.
Sự thù hận đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tất cả những cây thập giá.
Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà.
Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.
Câu kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: "Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này".
Với cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của Tình yêu trên hận thù.
Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình yêu.
Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêu.
Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.
Ngày nay, con người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá.
Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người.

Xúc phạm đến con người cách này hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét