Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm sau Chúa nhật I Thường Niên năm B. 15.01.2015

PHÚC ÂM:   Mc 1,40-45
“Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Suy niệm:

Đối với người bị bịnh phong, người Do thái họ loại bỏ ra ngoài, không tiếp xúc dưới mọi hình thức, kể cả không được tham dự chung những buổi thờ phượng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã không loại bỏ họ, Người ân cần thăm hỏi, Người đưa tay đụng vào anh ta để chữa lành, Người khuyên dạy giữ sự im lặng cần thiết và tuân giữ những gì lề luật đã truyền dạy. Để không làm cớ nghi ngờ cho những người chung quanh.
Trong cuộc sống, mọi người chúng ta đều nhận ra nguyên tắc: nếu muốn kết quả tốt đẹp, phải thi hành những điều kiện đòi hỏi; làm ngược lại sẽ phải lãnh hậu quả xấu.
Ví dụ, để có thể lành bệnh, con người phải làm theo những gì bác sĩ căn dặn; nếu không, sẽ không khỏi bệnh.
Để có thể thu thập kiến thức và đạt được điểm cao, học sinh phải lắng nghe giáo sư và viết lại những gì giáo sư nói; nếu nói ngược lại và không có lý do chứng minh, sẽ bị điểm xấu và có thể bị ở lại lớp.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải vâng lời Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, nếu muốn được Thiên Chúa săn sóc và ban ơn. Làm ngược lại những gì Thiên Chúa dạy là tự chuốc hậu quả xấu cho mình.
Trong Bài Đọc I, Tác giả Thư Do Thái dùng ví dụ của hai nhà lãnh đạo Moses và Aaron để răn bảo dân phải biết vâng lời Thiên Chúa mà tin vào Đức Kitô.
Trong Phúc Âm, mặc dù đã được ngăn cấm bởi Đức Kitô, người phong hủi vẫn không vâng lời. Sự bất tuân của anh làm cho Chúa Giêsu không thể vào thành và dạy dỗ dân chúng được.

Sống Lời Chúa:
Hôm nay, biết bao người quanh ta còn đang trong những tình cảnh đớn đau về thể xác vì bệnh tật, buồn khổ về tinh thần vì những gánh nặng của cuộc đời.
Mong sao, tôi cũng biết chạnh lòng thương như Chúa.
Mong sao, tôi dám “đưa tay đụng vào” những cuộc đời còn hẩm hiu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn yêu mến và tôn trọng nhân vị con người, bất kể họ là ai, vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, được Chúa thương yêu như đã yêu thương người bệnh phong.

Lẽ sống:
Bình an cho các con

Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: "Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an".
Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con".
Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.
Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình.
Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi.
Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại.
Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác.
Chúng ta thích khung cảnh tĩnh mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v…
Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.
Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.
Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét