PHÚC ÂM: Lc 12,39-48
"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ
đòi lại kẻ ấy nhiều". (Lc 12,48)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
39 Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà
biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh
em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ
đến."
41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi : "Lạy
Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?" 42 Chúa
đáp : "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt
lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc ? 43 Khi
chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy
bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng
nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ' Chủ ta còn lâu mới về ', và bắt đầu đánh đập
tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không
ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với
những tên thất tín.
47 "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không
chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ
không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được
cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều
hơn.
Suy niệm:
Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
Trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng
tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh
các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng
Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho
thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải
là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho
người khác.
Do phép Rửa, người
Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô
là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các
môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô,
chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với
phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại
khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức.
Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ
càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa
trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào
mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm
nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu
chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích
thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận".
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Tỉnh thức đón chờ Chúa đến
là chu toàn bổn phận đối với những người và những công việc đã được trao phó.
Thưởng hay phạt đều theo đó mà định đoạt.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, mỗi người trong chúng con đều là tôi tớ của Chúa, được Chúa trao
phó cho một số công việc để chu toàn.
Tại gia đình con, giáo họ, giáo xứ, những việc con đang làm…bằng lời
an ủi, một giúp đỡ nhỏ, sự cảm thông … xin giúp con sống cho Chúa và thực thi Ý
Chúa, để con sống cho kẻ khác, giúp đỡ và yêu thương mọi người.
Lẽ sống:
Hai cha con và
con lừa
Một trong những
câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện:
"Hai cha con và con lừa". Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha
ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói:
"Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi
con phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường
cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ
trích: "Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại đi
cuốc bộ". Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: "Chỉ còn một cách để
cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".
Thế là hai cha
con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời
phê bình khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức
nặng như thế".
Nghe thế, hai
cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình:
"Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ". Hai cha con
không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.
Ðôi khi chúng ta
cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng
ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí
muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị "rung động"
bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
Trong Giáo Hội cũng có những người mắc phải
chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng mình cũng chỉ là
những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo
Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét