PHÚC ÂM: Lc 13, 10-17
"Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của
Abraham này trong ngày Sabbat sao?" (Lc 13,16).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy
trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã
mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông
thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo : "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật
nguyền !" 13
Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên
Chúa.
14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức
Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng :
"Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng
có đến vào ngày sa-bát !" 15 Chúa đáp : "Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế
ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống
nước ? 16
Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay,
thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao ?" 17 Nghe
Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám
đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Suy niệm:
Cốt lõi của đạo
Một đêm mùa Ðông
lạnh như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin
trú ẩn tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh
giữ ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào,
nhưng lại nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng
chỉ một đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu
hành, chứ không phải là trại tế bần".
Giữa đêm, vị tu
sĩ nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường:
giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên
bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị
này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã
dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn:
"Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật,
ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".
Sáng hôm sau, vị
tu sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống
tro như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời:
"Tôi đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã
thiêu đốt tối hôm qua".
Về sau, vị tu sĩ
canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông
như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng
hơn một mạng người sống".
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết
của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những
người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên
cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính
là tình yêu.
Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải
con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn
bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá
trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi
thức và việc tuân giữ bên ngoài.
Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của
đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật
lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những
hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình
yêu là được sống trong Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Lòng nhân từ bao dung của
Chúa không bị giới hạn bởi những luật lệ. Chúa dạy ta không được tuân giữ luật lệ
một cách máy móc, nhưng trên hết, phải có lòng thương xót.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con tâm hồn cao thượng, quảng đại. Ðể chúng con luôn
tìm thấy điểm tích cực hơn là tiêu cực nơi tha nhân. Nhờ đó, chúng con biết
thông cảm giúp đỡ anh chị em chúng con. Và cũng từ đó, chúng con thấy cuộc đời
thật đáng yêu.
Lẽ sống:
Xin cho con được
thay đổi chính con
Một triết gia Ấn
Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu
óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa,
xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy
rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó,
tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất
cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và
như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long,
ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ
dại biết chừng nào.
Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được
thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ
lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có
lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo
trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng
nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện
thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi
sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công
khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu
tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai trong chúng
ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền
rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người,
ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh
lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt
nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt
nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét