PHÚC ÂM: Lc 14, 1-6
"Trong ngày Sabbat, ai trong các ông
có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?" (Lc 14,5)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Một ngày sa-bát kia, Đức
Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.
2 Và
kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà
thông luật và những người Pha-ri-sêu : "Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát
hay không ?" 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa
khỏi và cho về. 5
Rồi Người nói với họ : "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa
xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát ?" 6 Và họ
không thể đáp lại những lời đó.
Suy niệm:
Linh hồn của lề luật
Gilgal Zamir,
người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa
án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối
hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm
cho lề luật, làm cho dân tộc Israel". Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến
cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn
thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền
giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại
cho người trẻ hiện nay.
Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những
Biệt phái thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng
như những người Biệt phái, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật,
anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một
con người, đó là một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động
trước nỗi khổ đau của người khác. Khi con người không có một trái tim,
thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ
đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người
khác.
Nhân danh lề luật, những người Biệt phái
thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có
liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm
nay.
Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Tất cả
vụ án của Chúa Giêsu đều bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật.
Ðối đầu với những người Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá,
Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để
tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và
chết cho, đó là tình yêu.
Giáo dục con người
sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc,
mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như
cho xã hội. Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất
hạnh lớn nhất đối với con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu
thương, thì đó chỉ là phá hoại. Ðạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một
trò lừa bịp. Chúng ta hãy cảm
tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của
Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta chỉ đạt được định
mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi. Là môn đệ của Ðấng đã chết
trên Thập giá để nêu gương yêu thương cho chúng ta, xin cho chúng ta ý thức rằng
cốt lõi của đạo là giới răn yêu thương mà Ngài
đã để lại cho chúng ta.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Luật lệ được đặt ra là để
phục vụ lợi ích của con người. Vì thế, giá trị nhân bản phải được đặt lên trên.
Tình yêu phải là trọng tâm của đời sống chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, cuộc sống của con hôm nay đan kết bằng những ngày làm việc và những
ngày lễ nghỉ. Nhưng dù là ngày nào, con cũng vẫn phải yêu thương con người và
làm việc bác ái. Bởi vì từ ngày Chúa sống trong trần thế, Chúa đã mặc cho thời
gian một ý nghĩa mới, và từ ngày Chúa phục sinh, Chúa đã thánh hóa thời gian của
các tín hữu. Xin Chúa giúp con luôn biết quan tâm đến mọi anh chị em, đặc biệt
luôn biết chia sẻ nỗi đau của người khác, để mỗi ngày con biết thực hiện việc
yêu thương cụ thể, hầu giảm bớt nỗi khổ cho những người bất hạnh và làm vơi đi
u sầu của kẻ buồn đau. Xin Chúa giúp con làm cho những ngày sống của con mang đầy ý nghĩa bằng cách luôn sống tình thương
yêu.
Lẽ sống:
Viên đá quý
Edith Stein, đó
là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân
chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm
1987.
Stein theo tiếng
Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên
ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý
Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của
những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi,
Edith Stein đã mất hoàn toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng
cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con
người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống.
Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như không thể vượt qua được,
Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy
ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ
Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy
Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú
nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và
do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của
thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của
người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô
như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại
được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó:
Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành. Thập giá của Ðức
Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung
Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một
dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá.
Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh
nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi
mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau
khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải
đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá
và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống.
"Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy
thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên
trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết.
Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét