Phúc Âm : Mc 10,17-30
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến
theo Ta". (Mc 10,21).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một
người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : "Thưa Thầy nhân lành,
tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 18 Đức
Giê-su đáp : "Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ
một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ
ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính
mẹ." 20
Anh ta nói : "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."
21 Đức
Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : "Anh chỉ
thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được
một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt
và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh,
rồi nói với các môn đệ : "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa
biết bao !" 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp
: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! 25 Con lạc
đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." 26 Các
ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau : "Thế thì ai có thể được cứu
?" 27
Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : "Đối với loài người thì không
thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi
sự đều có thể được."
28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người :
"Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !" 29 Đức
Giê-su đáp : "Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị
em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại
không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng
với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Suy
niệm:
Chọn lựa ưu tiên
Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta hãy biết sử
dụng của cải thế nào để vật chất không làm mờ con mắt. Chọn lựa Đức Giêsu, đó
là chọn lựa ưu tiên nhất của người tín hữu. Làm môn đệ Chúa Giêsu, đó là “đam
mê” của mỗi chúng ta.
Trong
cuộc sống, mỗi người đều có những đam mê. Người thì thích nghệ thuật, người thì
mê âm nhạc, người lại thích hội họa, kiến trúc… Ai đam mê cái gì thì thường chú
tâm vào điều đó và dành hết tâm huyết cho những đam mê của mình, coi đó là chọn
lựa ưu tiên, thậm chí như lẽ sống của mình.
“Tôi
phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” – một người kia hỏi với
Chúa Giêsu. Người này đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Anh không tìm thấy bình an
và niềm vui, mặc dù anh rất giàu có. Dù sở hữu rất nhiều, anh vẫn cảm thấy tâm
hồn trống vắng. Anh muốn đi tìm những gì đem lại cho anh hạnh phúc lâu bền, tức
là sự sống đời đời.
Chúa
Giêsu đã cho anh câu trả lời và Người chỉ dẫn cho anh thấy những gì anh cần tìm
kiếm để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Thế nhưng, điều Chúa đề nghị lại quá khó
khăn đối với anh: đó là từ bỏ. Thay vì từ bỏ giàu sang để theo Chúa, anh đã từ
bỏ Chúa để giữ lấy sự giàu sang. Cuộc tìm kiếm chân lý của anh đã thất bại. Anh
không đủ can đảm từ bỏ những gì anh gắn bó, mặc dù chúng không đem lại cho anh
sự thanh thản và niềm vui đích thực.
Nhân dịp này, Đức Giêsu
đưa ra giáo huấn của Người về sở hữu của cải. Của cải phục vụ con người chứ
không làm chúa tể của con người. Của cải cần thiết, nhưng không phải lúc nào
cũng đem lại cho ta niềm vui. Kinh nghiệm trong cuộc sống quanh ta đã chứng
minh điều này. Vì tài sản, đất đai, mà anh em xung đột, huynh đệ tương tàn, thậm
chí đến mức coi nhau như kẻ thù. Vì tiền bạc mà nhiều người bán rẻ lương tâm,
dùng đủ mọi thủ đoạn mánh mung, miễn sao kiếm nhiều tiền. Chúa Giêsu đã nêu lên
mối nguy hiểm của tiền bạc trong cuộc sống con người. Người dùng một hình ảnh
bình dân đã trở thành ngạn ngữ đời thường trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ:
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”. Các
môn đệ cũng ngỡ ngàng trước câu nói này, nhưng Chúa trấn an các ông: đó là nhìn
theo quan điểm con người, còn đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được. Lời
nói này đã khẳng định rõ, nếu chúng ta biết cậy trông vào Thiên Chúa và trung
tín theo Ngài, thì mặc dù tội lỗi đến đâu, chúng ta cũng được Ngài thương tha
thứ và cứu thoát.
Mỗi
tín hữu được mời gọi tự vấn lương tâm trước mặt Chúa: vậy chọn lựa ưu tiên
trong đời của tôi là gì? Chắc chắn chúng ta cần rất nhiều thứ để có cuộc sống ổn
định, xứng với phẩm giá con người. Tuy vậy, mỗi người cần thấy rõ đâu là điều
ưu tiên trong cuộc sống, để coi đó như kim chỉ nam định hướng cho đời mình. Bài
đọc I nói với chúng ta, nếu có điều gì đáng dành mọi tâm huyết để tìm kiếm
trong cuộc đời, thì đó là Đức Khôn Ngoan. So sánh với Đức Khôn Ngoan, của cải,
danh vọng và trân châu bảo ngọc đều như rơm rác. Xin lưu ý, danh từ “Đức Khôn
Ngoan” này được viết hoa. Điều đó muốn diễn tả Đức Khôn Ngoan ở đây vượt xa
quan niệm về khôn ngoan theo kiểu thông thường. Đức Khôn Ngoan trước hết chính là
Thượng Trí của Thiên Chúa, đã hành động từ thuở khai thiên lập địa, tức là
trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sau này, nhờ mạc khải, Đức tin Kitô
giáo nhận ra Đức Khôn Ngoan chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Chúa Giêsu
là Đấng “đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”.
Như thế, đối với người tín hữu, sự chọn lựa ưu tiên chính là Đức Giêsu và giáo
huấn của Người. Bởi lẽ, nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng
dạng với Đức Kitô. Đó chính là lý tưởng cao cả của chúng ta. Vì lẽ đó mà Đức
Giêsu đã đề nghị người đang tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời: “Hãy đi bán những gì anh
có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo
tôi”.
Để khích lệ các môn đệ
và những ai tin vào Người, Chúa Giêsu đã hứa: những ai quyết chí và trung tín
đi theo làm môn đệ của Người, họ sẽ được gấp trăm ở đời này, nhất là được sự sống
vĩnh cửu đời sau.
Ai
trong chúng ta cũng cần có của cải để nuôi sống mình. Giáo Hội tiếp nối sứ mạng
của Chúa Giêsu, luôn hành động để giúp đỡ người nghèo và góp phần thăng tiến xã
hội. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta hãy biết sử dụng của cải thế nào để vật chất
không làm mờ con mắt. Chọn lựa Đức Giêsu, đó là chọn lựa ưu tiên nhất của người
tín hữu. Làm môn đệ Chúa Giêsu, đó là “đam mê” của mỗi chúng ta.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chỉ dẫn con đường hạnh phúc đời đời. Xin
cho chúng con trung thành theo đường lối khôn ngoan thánh thiện Chúa dạy, luôn
giữ các giới răn, chia sẽ tình thương với tha nhân, tin và bước theo Chúa mỗi
ngày.
Lẽ sống:
Một cách truyền giáo
Tuần
báo Midnight-Globe xuất bản tại Hoa Kỳ, gần đây có thuật lại một phương thức
làm việc tông đồ của một tín hữu Kitô như sau: mỗi ngày, trừ ngày Chúa Nhật,
ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa, gần chỗ ông ở, tại bang Alabama. Ông ném
xuống sông hai chai không, trong đó ông để một mảnh giấy ghi lại một câu kinh
thánh nói về tình thương, hay một sứ điệp tương tự, kèm theo đó là lời đề nghị
sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của ông về tinh thần cũng
như vật chất. Những chai không đó được bít kín lại và theo dòng sông chạy ra biển
khơi cách đó 15 cây số.
Trong
vòng 40 năm, ông Jewel Pierce đã gửi đi được 27,000 sứ điệp tình thương Kitô
như thế, kèm theo địa chỉ của ông. Ðã có hơn 2,000 người thuộc 30 quốc gia khác
nhau đã viết thư trả lời và rất nhiều người đã đọc được những lời đầy hy vọng của
sứ điệp Kitô.
Một vị giám mục Việt
Nam đã thuật lại chứng từ sau đây. Tại một làng nhỏ ở miền thượng du Bắc Việt,
toàn dân làng là người Công Giáo, nhưng từ 20 năm qua, họ không có linh mục coi
sóc. Dù vậy, các tín hữu vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà
thờ. Ðây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp
nhiều khó khăn, nhưng dân làng vẫn sống trong an vui và bình thản.
Tiếng đồn về niềm vui của
dân làng này đến tai một làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu những
người Công Giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng tìm được
niềm vui.
Nhưng dân làng Công
Giáo không tìm được ai: người lớn thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em thì phải
đi học, còn người già cả thì không đủ sức băng rừng leo núi để đến giúp người
sơn cước. Chỉ có một người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức tôn
giáo. Người đó lại là một người mù.
Sau khi bàn bạc với
nhau, dân làng sơn cước đã đồng ý sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù.
Người tín hữu tàn tật này đã ở lại với dân làng 4 tháng. Cứ mỗi tối, sau khi
làm việc trở về, dân làng tụ họp với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc
kinh và hát thánh ca. Sau một thời gian, người giảng viên giáo lý mù khảo sát
và làm phép rửa cho người dân làng đầu tiên. Và người tân tòng này lại rửa tội
cho những người khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng. Phương pháp làm việc
tông đồ của làng Công Giáo trên đây là phương pháp đơn sơ, nhưng cốt yếu của
Kitô giáo: đó là rao giảng bằng chính chứng từ của cuộc sống, nhất là cuộc sống
an bình và vui tươi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét