PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải,
thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". (Lc 13,5).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho
Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến
máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng :
"Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi
hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ;
nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng
như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là
những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi
nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối,
thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này :
"Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái
mà không thấy, 7
nên bảo người làm vườn : 'Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà
không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?' 8 Nhưng người làm vườn đáp : 'Thưa
ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho
nó. 9
May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.'"
Suy niệm:
Thay đổi cái nhìn
Cùng một biến cố,
nhưng người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Bệnh AIDS (SIDA) chẳng
hạn, các nhà Y học
coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi, một số kỹ nghệ gia coi
đó là dịp để tung ra các sản phẩm phòng ngừa, các nhà đạo đức thì coi đó như là
chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại, còn người có đức tin thực sự lại nhận
ra ở đó khởi điểm của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giêsu đã nhắc
đến phản ứng rất thông thường của người Do thái và có lẽ cũng là của nhiều Kitô
hữu, đó là qui trách cho Thiên Chúa mọi sự trừng phạt. Khi Philatô ra lệnh xử tử
một số người Galilê nổi loạn, thì người Do thái cho rằng những người này đáng bị
trừng phạt vì là những kẻ tội lỗi.
Khi tháp Silôê đổ xuống làm một số người chết,
người ta cũng bảo là họ bị Chúa phạt.
"Chúa phạt",
đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác.
Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô
tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các
biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến
đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con
người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức
về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu thương người khác
nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân
từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác. Ước gì hoa trái
của yêu thương, phó thác, tha thứ trổ bông trong tâm hồn và tràn ngập trong ánh
mắt chúng ta.
Sống Lời Chúa:
Chăm sóc “cây đức tin” của
mỗi người trong gia đình bằng siêng năng đọc Kinh Mân Côi và suy ngẫm Lời Chúa,
để xin Đức Maria giúp gia đình sinh hoa trái là đời sống công chính thánh thiện.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chăm sóc nhau trong đời sống đức tin, để
gia đình chúng con được “Tân Phúc Âm Hóa”, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ
Mân Côi.
Lẽ sống:
Ngày Liên Hiệp Quốc
Vào năm 1945, ba
quốc gia gây chiến Ðức, Italia, Nhật mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước
bại trận. Ða số những thành phố lớn tại Ðức, cũng như hai thành phố Hiroshima
và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những đống gạch vụn, những thành phố chết.
Hình ảnh của thế
giới, nhất là tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm
"39-45" có lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt Ðại Hồng
Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những trận mưa lũ kéo dài 40 ngày
đêm đã giết hại mọi sinh vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết: "Mọi loài xác
thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim chóc, thú vật, mãnh thú... tất cả các
vật trên cạn đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến xúc vật, côn trùng
và chim trời...".
Từ đống tro tàn
của thế chiến thứ hai, một ý nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành
hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình. Vì như một chính trị gia
đã phát biểu: "Nếu con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ hủy
diệt con người".
Nhưng từ ngày tổ
chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc
chiến song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay con người vẫn được
dùng để giơ gươm, để lảy cò, để bấm nút những khí giới giết người. Vì thế súng
vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất mẹ vẫn thấm máu con người.
Ngày 24 tháng 10
hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc gia đã được trưng lên trong những buổi lễ
kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt đã được tổ chức
để nhắc nhở con người, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín
ngưỡng hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ chức mang mục đích bảo
vệ an ninh và xây dựng hòa bình.
Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không
thể được thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an bình, vì nếu những tâm
tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ, nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột
vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến tranh vẫn còn có thể
bùng cháy bất cứ lúc nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét