Thánh Teresa Avila – Lễ nhớ
Têrêxa Giêsu, gọi là Avila (tên Tây Ban Nha là
Teresa de Ahumada y Cepeda), sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515 ở Avila (Tây Ban Nha),
trong một gia đình quí tộc gồm 8 cậu con trai và 3 cô con gái. Được thấm nhiễm
những câu truyện và những bài đọc đạo đức, lúc 8 tuổi, cô bé trốn nhà đến sống
"giữa người Maures" với hi vọng được tử đạo để "thấy Thiên
Chúa". Sau khi bị bắt về nhà, cô đã sống những năm hạnh phúc trong gia đình.
Rất xinh đẹp và có duyên, cô cũng phần nào thích làm đỏm và vướng vào một chuyện
rắc rối ngây thơ với một người anh họ. Bấy giờ – cô khoảng 16 tuổi – cha cô phải
gửi cô đến ở nhà dòng thánh Augustine ở Avila ; tại đây cô đã có quyết định trở
thành nữ tu. Vì thế, sau khi trở về nhà, cô bị cha chống đối ơn gọi, nên cô đã
trốn nhà để đi vào dòng Carmel Chúa Nhập Thể ở Avila ngày 2 tháng 11 năm 1537.
Tại đây cô đã tuyên khấn trọng thể ngày 3 tháng 11 năm 1537, lúc 22 tuổi.
Khao khát sống theo Tin Mừng hơn, và nhận thấy sự lỏng
lẻo về kỷ luật tu trì trong tu viện của chị cũng như trong các tu viện khác của
dòng Carmel, chị quyết định hiến mình cho việc cải cách Dòng. Được thánh Phêrô
Alcantara và thánh Phanxicô Borgia nâng đỡ, năm 1562, chị Têrêxa lập tu viện cải
cách đầu tiên của các chị dòng Carmel "đi chân không", tu viện Thánh
Giuse ở Avila. Tại đây, các nữ tu nghiêm ngặt tuân giữ bộ Luật Dòng Carmel
nguyên thuỷ. Các ơn gọi tăng nhanh và sự sốt sáng của các chị em thật cao vời.
Vài năm sau, năm 1567, chị được phép của Bề trên tổng quyền Carmel thiết lập
thêm những tu viện cải cách khác. Thế là chị Têrêxa Giêsu bắt đầu một đời sống
kỳ diệu, hầu như luôn luôn hành trình, trong sự thiếu tiện nghi và nguy hiểm. Năm
1571, chị trở về làm bề trên tu viện Chúa Nhập Thể ở Avila (1571-1574) và tổ chức
công cuộc cải cách ở đây, với sự trợ giúp của thánh Gioan Thánh Giá. Sau đó chị
lại tiếp tục các cuộc hành trình để mở những tu viện mới. Năm 1567, bề trên tổng
quyền dòng Carmel cho phép chị Têrêxa Giêsu lập những tu viện cải cách cho nam
giới ; chị trao nhiệm vụ này cho thánh Gioan Thánh Giá, cha giải tội của chị từ
1572 đến 1577. Như thế, đến khi chị mất năm 1582, chị đã lập được 16 tu viện nữ
và 14 tu viện nam.
Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh năm
1622, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên dương là tiến sĩ Hội Thánh năm
1970.
Trích từ ENZO LODI (Lm hạt
Xóm Chiếu dịch)
Nguồn : tonggiaophanhanoi.org
PHÚC ÂM: Lc 11,47-54
"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của
Abel cho đến máu của Giacaria". (Lc 11,50.51).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
47 "Khốn cho các người ! Các người
xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy ! 48 Như vậy,
các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã
giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.
49 "Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của
Thiên Chúa đã phán : "Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng : chúng sẽ
giết người này, lùng bắt người kia. 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các
ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, 51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã
bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết : thế hệ
này sẽ bị đòi nợ máu.
52 "Khốn cho các người, hỡi những nhà
thông luật ! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết : các người đã
không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản."
53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư
và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều
chuyện, 54
gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.
Suy niệm:
Dòng Máu Cứu Ðộ
Với lý thuyết:
"Người chết không nói", các đối thủ của những người thường dùng bạo lực
để thủ tiêu những người can đảm đóng vai trò tiên tri để nói lên sự thật chống
lại kỳ thị bất công, bênh vực quyền lợi của những người nghèo khổ. Từ máu Abel,
người vô tội đầu tiên đổ ra vẫn luôn nhuộm hồng với máu các tiên tri thuộc mọi
màu da, tiếng nói: một Martin Luther King, mục sư chủ trương bất bạo động để
tranh đấu cho sự phân biệt và kỳ thị mầu da ở xã hội Mỹ và bị bắn ngã ngày
4/4/1968; hay một Oscar Roméro, vị giám mục thật sự yêu mến người nghèo đã bị
ám sát khi đang dâng Thánh Lễ tại một bệnh viện vào chiều ngày 23/4/1980.
Trong Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các
tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy
lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng,
và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập
Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ
thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những
dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn
quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ
hành khổ và xử tử Ngài.
Cái chết vì tình
yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết "người chết
không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của
Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người
tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân
loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người. Qua đó, cái chết của
Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can
đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp
tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống.
Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng góp phần không nhỏ
vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu tại xã hội Mỹ và
nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ đang lúc dâng
Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh khôn lường
cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các quốc gia Mỹ
Châu La Tinh.
Nợ máu vẫn đòi
phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên
bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu hy sinh cho chính
nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành khí giới sắc bén phá
tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình người,
dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đức Giêsu là Sự Thật đến
thế gian và đã bị thế gian ghét bỏ. Các tông đồ và các ngôn sứ nói lên sự thật
cũng đã bị người đời giết chết. Tuy nhiên, Đức Giêsu chết để đi vào vinh quang
phục sinh; các vị chứng nhân chấp nhận cái chết để đi vào cõi bất diệt.
Phần
chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu, là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhưng đức
tin của chúng ta ngày nay như thế nảo ?.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giesu, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Những giáo huấn, những lời
hay ý đẹp vẫn có rất nhiều trong cuộc sống; đó là những lời nhắc nhớ mà Chúa
dành cho chúng con để sống tốt mỗi ngày. Thế nhưng, điều quan trong không hệ tại
ở việc nghe biết, mà ở việc thực hành, và đây là điều mà chúng con rất thiếu sót.
Xin biến đổi lòng chúng con và cho chúng con tích cực sống chứng nhân giữa đời.
Lẽ sống:
Người Ðàn Bà "Rất Ðàn Bà"
Hôm nay là ngày
kính nhớ thánh nữ Têrêxa Avila.
Vị nữ tiến sĩ hội
thánh này đã sống trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội.
Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin Lành bắt đầu và qua đời khi
Công Ðồng Trento vừa chấm dứt. Ngài đã được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội như một
đóa hoa đẹp đẽ nhất giữa những gái góc đang ụp phủ trên Giáo Hội. Nhưng Têrêxa
Avila cũng chỉ là một người đàn bà giống như rất nhiều người đàn bà khác. Ðẹp,
có nhiều năng khiếu, đảm đang, đa tình... Têrêxa lại là một người đàn bà
"rất đàn bà". Thế nhưng nơi người đàn bà này, người ta thấy có nhiều
tương phản: thông
minh nhưng lại thực tế; biết nhiều nhưng không xa vời với kinh nghiệm sống; thần
bí nhưng lại đầy nghị lực để trở thành một nhà cải cách.
Têrêxa là một người đàn bà hoàn toàn sống
cho Chúa, nghĩa là một người đàn bà cầu nguyện, kỷ luật và biết cảm thông. Trái tim của
Têrêxa hoàn toàn thuộc về Chúa. Ðã thách thức tất cả mọi chống đối của người
cha để gia nhập dòng kín, Têrêxa cũng tiếp tục đương đầu với không biết bao
nhiêu chống đối khác khi muốn cải tổ dòng kín. Người đàn bà yếu đuối này chỉ
còn một nơi nương tựa duy nhất: đó là Thiên Chúa.
Là một người sống
cho Chúa hoàn toàn, Têrêxa cũng hoàn toàn sống cho người khác. Canh tân cuộc sống
của mình, Têrêxa cũng không ngừng đi khắp đó đây để giúp người khác canh tân cuộc
sống.
Suốt cuộc đời trải
qua trong gian lao và thử thách, về cuối đời, Thánh nữ đã thốt lên: "Ôi lạy Chúa, tất
cả những ai làm việc cho Chúa đều được đáp trả bằng gian lao, khốn khó. Nhưng
cao quý thay phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa, nếu họ hiểu được giá
trị của nó". Hiện nay, người
ta nói đến rất nhiều thứ giải phóng, trong đó có giải phóng người phụ nữ.
Có lẽ tất cả những
ai đang tranh đấu cho nữ quyền nên nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Têrêxa Avila.
Một người đàn bà đã có thể thực hiện được nhiều việc vĩ đại, nhưng bản chất đàn
bà vẫn không hề thay đổi trong con người ấy. Phải chăng người đàn bà có thể đóng
trọn vai trò của họ trong Giáo Hội và trong xã hội khi họ biết trung thành với ơn
gọi cao cả mà Thiên
Chúa đã trao ban qua nữ tính của họ!
Người nữ có phúc nhất trong những người nữ,
người nữ cũng đã sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là Ðức Maria. Bí quyết để
người nữ ấy thể hiện trọn vẹn ơn gọi làm người nữ và làm người của mình chính
là hai tiếng "Xin vâng". Thiên Chúa đã tạo
dựng con người và đã quy định cho con người một định mệnh: định mệnh đó chính
là sống cho Chúa. Ðức Maria, thánh nữ Têrêxa và bao nhiêu vị thánh nam nữ khác,
đã thực hiện được định mệnh đó qua một cuộc sống hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Chỉ
có một sự bình đẳng duy nhất: đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Ðức
Maria đã minh chứng được sự bình đẳng đó qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu
rỗi của Ðức Kitô. Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta đều có
một chỗ đứng. Không có chỗ đứng nào cao trọng hơn chỗ đứng khác. Hạnh phúc của
chúng ta tùy thuộc ở sự đáp trả của chúng ta đối với tiếng gọi của Chúa.
Cài nhạc Cách nào vậy Bác N
Trả lờiXóa