Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Lời Chúa: Thứ Tư 27.04.2016 TUẦN V PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Ga 15,1-8
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an
1 "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 
5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Suy niệm:
Sự hiệp nhất

Chúa Giêsu trước khi dạy các môn đệ sống hiệp nhất với nhau, đã dùng những lời nói mạnh mẽ và quyết liệt này. Hiệp nhất không phải là sự kết hợp của sự đồng ý về tư tưởng, về mục đích nhắm tới, về cách sống. Hiệp nhất chính là luật của sự sống. Cũng như định luật đòi buộc cành nho, nếu muốn sống, phải lưu lại tháp vào thân nho; cũng vậy mỗi một môn đệ phải lưu lại tháp vào Chúa Kitô. Cái đòi hỏi thứ nhất không thể không có được là sống kết hợp với Chúa Kitô, sống nhờ vào nhựa lấy từ thân nho, các nhánh nho thể hiện giữa họ một thứ hiệp nhất do sự liên kết, nhưng do cùng một nguyên lý sự sống và cùng một vận mạng. "Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. Cành nho chỉ có thể sinh hoa trái nếu kết hợp với thân nho. Chúng ta có thể suy gẫm lời của Chúa Giêsu trên hai bình diện: bình diện cá nhân và bình diện tông đồ cho dẫu cuộc sống vẫn là một.
Trên bình diện cá nhân người ta không thể sống nếu không lưu lại trong Đức Kitô bằng đức tin, bằng Thánh Thể, bằng các bí tích, là những gặp gỡ sống động mà Chúa Giêsu xếp đặt cho chúng ta qua thừa tác vụ của Giáo Hội. Trên bình diện tông đồ, người môn đệ nếu muốn được kết quả phải dâng cho loài người những chùm nho căng tròn nhựa sống Đức Kitô, nghĩa là đem đến cho họ lời giảng dạy, một chứng tá, một hành động thấm nhuần sự thật và sự sống của Đức Kitô.

Sống Lời Chúa:
Sống phương châm của Mẹ Têrêxa: “Tôi muốn là cây bút chì trong bàn tay Thiên Chúa” đến và sống gắn kết với Chúa cách trọn vẹn.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là cành nho luôn ý thức để luôn sống kết hiệp với Đức Kitô là thân nho đích thực, để chúng con đón nhận nguồn sức sống nơi Ngài và qua đó chúng con sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống của chúng con.

Lẽ sống:
Kẻ không biết sám hối

Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ và tại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối...
Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải... Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.
Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại... Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra... Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét