Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Lời Chúa: Thứ Sáu 08.04.2016 TUẦN II PHỤC SINH – Năm C

THÁNH TA-NÍT-LAO, Giám mục, T đạo
PHÚC ÂM: Ga 6,1-15
“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Chúa Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” (Ga 6,9-10)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. 
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?" 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !" 10 Đức Giê-su nói : "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Suy niệm:
Chúa vẫn làm phép lạ

Các môn đệ hết sức lúng túng khi Chúa bảo họ phải lo ăn cho đám đông người đang đói. Thực phẩm họ có trong tay có thấm vào đâu với số người này! Đối với các môn đệ, ‘không thấm vào đâu’ cũng có nghĩa không có gì hết để lo cho đám đông. Nhưng, ý nghĩ của họ khác nhiều với ý muốn của Chúa. Như Đức Bênêđitô đã nói: phép lạ này không được làm từ không có gì, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng, nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em chúng ta.

Sống Lời Chúa:
Chúa đã trao cho Quà Tặng kỳ diệu là Thân Mình Ngài để nuôi sống bạn. Vậy, nếu hôm nay bạn có năm chiếc bánh và hai con cá, bạn có dám đặt vào tay Chúa để phép lạ được diễn ra không? Nếu hôm nay bạn có mười chiếc bánh và bốn con cá, bạn dám trao vào tay Chúa không? Vì vậy, vấn đề không phải ở số lượng bạn có, mà ở tấm lòng của bạn, phải không?

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại để con vững tin rằng, trong thế giới hôm nay, Chúa đang sống với đầy đủ quyền năng của Đấng Phục Sinh và đang làm muôn điều kỳ diệu.

Lẽ sống:
Cái này của tôi

Hai hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng, nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:
"Ít ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ thường làm".
Ông kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi: "Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm! Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó, viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".
Nói xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:
"Viên đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại: "Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:
"À phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng không cần có đá để làm gì".
Nói xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được thành tựu như ý muốn.
Ngay từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Trẻ con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.
Trẻ con dùng lời vã cãi nhau, dùng tay đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhau.
Ngược lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên hai tiếng: Chia sẻ. Ở Hoa Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa Chay, mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt ăn, bớt uống, bớt chi tiền vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền dành dụm đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu tế xã hội trong và ngoài nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét