Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – NĂM C - 10.04.2016

Phúc Âm : Ga 21,1-19
Ông Phê-rô buồn vì Chúa hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21,17)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp : "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : "Này các chú, không có gì ăn ư ?" Các ông trả lời : "Thưa không." 6 Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : "Chúa đó !" Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : "Đem ít cá mới bắt được tới đây !" 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : "Anh em đến mà ăn !" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai ?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. 
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông : "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." 16 Người lại hỏi : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói : "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." 17 Người hỏi lần thứ ba : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : "Anh có yêu mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo : "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.  18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."  19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : "Hãy theo Thầy."

Suy niệm:
Gặp gỡ Đấng Phục sinh

Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Có những lúc chúng ta không nhận ra Người, nhưng Người vẫn đồng hành với chúng ta, vì Người là Thiên Chúa quyền năng và nhân ái. Khi cử hành phụng vụ mùa Phục sinh, Giáo Hội muốn cho chúng ta được gặp gỡ Đấng đã từ cõi chết sống lại.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan ghi lại cuộc gặp gỡ lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng giữa Chúa Giêsu Phục sinh và các môn đệ. Việc đánh cá được nói đến trước và sau khi Đức Giêsu tỏ mình, mang ý nghĩa đặc biệt. Trước đó, các ông vất vả mà không được con cá nào. Sau khi nghe lệnh của Đức Giêsu và thả lưới, các ông kéo được một mẻ cá lạ lùng, đếm được 153 con. Gặp gỡ với Đấng Phục sinh là điều kiện cần thiết để mang lại những hiệu quả ngoạn mục trong sứ mạng tông đồ.
Qua hình ảnh mẻ cá lạ, Thánh Gioan muốn nói với chúng ta về một cộng đoàn tín hữu đang phát triển nhanh chóng đầy hứa hẹn vào tương lai. Sách Công vụ Tông đồ kể lại, nhờ lời giảng dạy của các tông đồ, số người tin theo Chúa ngày một gia tăng. Những người mới gia nhập Đạo, vừa là người Do Thái, vừa là người gốc dân ngoại. Cộng đoàn tín hữu đoàn kết hiệp nhất với nhau đến nỗi họ chỉ có một tâm hồn. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, 153 là con số tượng trưng, vì thời bấy giờ, khoa nghiên cứu thủy sản hệ thống các loài cá dưới biển và liệt kê được 153 loài cá lớn nhỏ khác nhau. Khi nói đến một mẻ lưới bắt được 153 con cá, tác giả muốn nói với chúng ta về hình ảnh Giáo Hội của Chúa Kitô. Nhờ có Chúa Phục sinh hiện diện, cả nhân loại được mời gọi gia nhập Giáo Hội, làm thành gia đình của Thiên Chúa. Hơn nữa, tác giả cũng muốn khẳng định với chúng ta, ơn cứu độ của Thiên Chúa nhờ máu của Đức Kitô có giá trị cứu thoát mọi dân tộc, mọi quốc gia trên toàn thế giới này.
Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình trên thế gian, nhưng Người vẫn hoạt động trong Giáo Hội. Người là sức sống và nguồn nghị lực truyền giáo của Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu Phục sinh trao phó cho các tông đồ, mà cụ thể là Phêrô, vị Tông đồ trưởng, nhiệm vụ hướng dẫn đàn chiên của Người. Tin Mừng Thánh Gioan, vào lúc kết thúc, lại mở ra một thời đại mới, thời đại của Giáo Hội. Tông đồ Phêrô đã ba lần tuyên thệ yêu mến Thày, như một tình yêu mến trọn hảo. Dựa trên tình yêu mến được tuyên xưng đó, Chúa trao phó cho ông thay Người cai quản Giáo Hội. Giáo Hội Công giáo kể từ Phêrô là vị Giáo Hoàng đầu tiên cho đến nay, luôn có người kế thừa lãnh đạo. Trong lịch sử, có những giai đoạn khó khăn thử thách khốc liệt, nhưng vẫn có người kế vị Thánh Phêrô để chèo lái con thuyền Giáo Hội lướt qua sóng gió phong ba của biển đời.
Sau khi tuyên thệ một lòng yêu mến, Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy theo Thày”. Chúa cũng đã nói lời này với Phêrô, khi lần đầu gặp ông đang vá lưới ở bờ hồ Galilêa, và ông mau mắn từ bỏ mọi sự đi theo Người. Hôm nay, Chúa lại nói với ông một lần nữa, như thể đây là khởi đầu của một hành trình mới để làm môn đệ của Người. Nếu trước đây, ông đi theo Chúa để được thụ giáo với Người, thì bây giờ, ông theo Chúa để trở thành hiện thân của Người giữa thế gian. Có Chúa ở với ông, nên ông trở nên mạnh mẽ và can đảm. Đứng trước thày Thượng tế, Phêrô và các tông đồ đã khẳng khái tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà các ông đã giết và treo Người trên thập giá”. Khi bị đánh đòn, các ông lại “hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” Bài đọc I). Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu đã giúp các ông có thêm nghị lực và nhiệt huyết để làm chứng về Người.
Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Có những lúc chúng ta không nhận ra Người, nhưng Người vẫn đồng hành với chúng ta, vì Người là Thiên Chúa quyền năng và nhân ái. Khi cử hành phụng vụ mùa Phục sinh, Giáo Hội muốn cho chúng ta được gặp gỡ Đấng đã từ cõi chết sống lại. Chúa Phục Sinh cũng đang đặt ra cho mỗi người chúng ta câu hỏi về tình yêu mến: “Con có yêu mến Thày không?”.  Câu trả lời của chúng ta thể hiện mức độ dấn thân theo Chúa và thiện chí trở thành môn đệ của Người.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên

Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân con và yêu Cha chỉ vì Cha... Con không coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi.   (Karl Rahner)

Lẽ sống:
Tấm gương

Tại một ngôi làng nhỏ ở ven biển Ái Nhĩ Lan, có một cặp vợ chồng ngư phủ nghèo, nghèo đến độ trong nhà không có được một cái gương soi mặt.
Trong làng chỉ vỏn vẹn có một cái quán nhỏ cung cấp lương thức và những gì cần thiết cho việc đánh cá. Một ngày nọ, người chủquán ngạc nhiên vô cùng khi bắt gặp người ngư phủ già cầm lấy một vật gì đó trong tay, vừa xoay xung quanh, vừa thổn thức. Rồi từ đó, người chủ quán nhận thấy người đánh cá trở lại quán của mình thường xuyên hơn và cũng lập lại ngần ấy động tác. Ráng theo rình rập để lắng nghe những gì người ngư phủ già than thở, người chủ quán mới thấy ông già đưa cái gương soi mặt và thều thào: "Ba ơi, ba ơi".
Thì ra, cả đời người ngư phủ già chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình trong gương. nhìn thấy mặt mình trong gương lần đầu tiên, ông ta tưởng đó là cha của mình.
Người chủ quán quá cảm động, đã tặng cho ông già tấm gương. lão hăm hở mang đi, và từ đó, cứ mỗi lần rảnh rỗi, lão đưa tấm gương ra, nhìn vào và nói chuyện với cha mình.
Tất cả chúng ta đều sống cho một gương mặt. Và gương mặt duy nhất mà chúng ta không bao giờ thấy đó là gương mặt của chính chúng ta. Chúng ta có thể hiểu biết tất cả, nhìn thấy tất cả trừ gương mặt của chúng ta. Và ngay cả trong một tấm gương, chúng ta chỉ nhìn thấy mình theo một hình ảnh đảo lộn. Chúng ta chỉ có thể biết mình, chúng ta chỉ có thể khám phá được chính mình nhờ những người khác vànhờ chính hình ảnh mà họ có thể cho chúng ta thấy.
Vậy đâu là tấm gương đích thực để chúng ta có thể biết mình hoặc biết mình phải như thế nào?
Chúng ta đừng vội vã cười hai vợ chồng ngư phủ trong câu chuyện trên đây... Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể làm người, có lẽ họ là người có lý, bởi vì họ biết nhìn thấy trong gương một cái gì khác hơn chính mình. Nói như Thánh Phaolô: "Phần chúng ta, chúng ta không che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như một tấm gương, vì chúng ta được thấy mình biến đổi nên giống hình ảnh ấy, mỗi lúc một rực rỡ hơn, bởi vì quyền phép Thánh Linh của Chúa". Mỗi người Kitô phải là tấm gương phản chiếu chính hình ảnh của Ðức Kitô. Cuộc sống của họ phải là một phản ảnh của cuộc sống Ðức Kitô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét