Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Lời Chúa: Thứ Ba 19.04.2016 TUẦN IV PHỤC SINH – Năm C

PHÚC ÂM: Ga 10,22-30
“Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” (Ga 10,24-25)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." 25 Đức Giê-su đáp : "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một."

Suy niệm:
Thắc mắc đến bao giờ

Chọn theo đức tin mà Đức Giêsu đòi hỏi không phải là để yên tâm nghỉ ngơi. Đức tin không cất đi những thắc mắc căng thẳng. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng lơ lửng: “Hãy nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô không?”. “Nếu ông là Đấng sống lại thì xin nói cho chúng tôi biết”. “Nếu ông là bánh ban sự sống thì xin nói cho chúng tôi hay”.
Trái lại, gắn bó với Đức Giêsu bằng đức tin chỉ có sự chắc chắn theo kiểu tin cậy của người yêu đối với người được yêu, khi đó dù có chuyện gì xảy ra, thì chẳng có gì quan trọng. Tôi sẵn sàng gắn bó quyến luyến anh, thì tôi luôn trung tín với anh. Cũng thế, chính niềm tin cậy vào Đức Giêsu, được đặt nền trên tình liên kết với Người, mà chúng ta chấp nhận lời Người như một bảo đảm bất biến.
Hôm nay, trong cuộc đàm thoại với chúng ta Người đã bảo đảm sự trung tín và sự cam kết của Người với chúng ta. Người biết rõ chúng ta, Người ban sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta trong tay Người. Lòng trung tín của Chúa đã in đậm trong Cựu ước, giờ đây được xác nhận lại rõ ràng nồng nàn đậm đà hơn nữa bởi chính Con Chúa. Chúa không bao giờ bỏ giao ước của Ngài.
Nhưng có lần nào chúng ta nhắc lại lòng trung thành của chúng ta với Đức Kitô không? Nếu chúng ta không trung thành với những người chung quanh thì kể như chưa trung tín với Ngài. Nếu chúng ta thông phần vào đời sống Đức Kitô thì chúng ta phải hội nhập với mọi người.
Nếu chúng ta không biết sát cánh hoạt động với mọi người, không biết liên đới với họ trong tình huynh đệ, chúng ta không trung tín. Như thế chưa có thể nhận biết ai là Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn rằng Đức Kitô chăm lo săn sóc cho mọi người đến tột đỉnh, thì những Kitô hữu cũng phải thực hiện theo hình ảnh trung tín của Người như vậy.

Sống Lời Chúa:
Là Kitô hữu nghĩa là được chọn để thuộc về Đức Kitô, thuộc về Thiên Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ quen thuộc, chúng ta dễ dàng để tuyên xưng như thế. Nhưng có những lúc rất ngại để nói mình là Kitô hữu, vì những việc chúng ta làm nghịch lại với nguồn gốc và ơn gọi của mình. Bạn sẽ nói thế nào về nguồn gốc Kitô hữu của bạn khi đời sống của bạn không phù hợp với đức tin bạn tuyên xưng?

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin giúp con mạnh dạn sống Lời Chúa dạy, để con vui sướng khi tỏ dấu con thuộc về Chúa.

Lẽ sống:
Trò chơi hòa bình

Một ngày kia, trên con đường đi bách bộ ngang qua một sân chơi, ông Marschak, một nhà văn Liên Xô, dừng lại quan sát các trẻ em vừa lên sáu, lên bảy đang chơi đùa với nhau trên sân cỏ.
Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi: "Này các em, các em đang chơi trò gì đó?". Bọn trẻ nhôn nhao trả lời: "Các em chơi trò đánh nhau".
Nghe thế, ông Marschak hơi cau mày. Rồi ra dấu cho các em đến gần, ông ôn tồn giải thích: "Tại sao các em chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các em biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì đẹp đẽ đâu. Các em hãy chơi trò chơi hòa bình xem nào".
Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên: "Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao". Rồi cả bọn kéo nhau chạy ra sân, chụm đầu nhau bàn tán. thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn Marschak tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười tiếp tục cất bước. Nhưng không được bao lâu, ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông nghe một giọng trẻ em hỏi: "Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết".
Vâng, làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình khi chúng chỉ thấy người lớn "chơi trò chiến tranh". Khi chúng thấy các anh lớn lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự trong lúc đất nước không còn một bóng quân thù.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi mỗi ngày chúng thấy trên truyền hình, trên các mặt báo hình ảnh của những người lớn bắn giết nhau, thủ tiêu nhau, ám sát nhau.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi trong chính gia đình chúng thấy anh chị, thậm chí đôi khi cả cha mẹ chúng lớn tiếng cãi vã, mắng chửi nhau. Có khi họ dùng cả tay chân để thay lời nói. Trong thức tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các trẻ em lớn lên không phải là bầu khí hòa bình.
Ðến bao giờ thế giới của người lớn mới hiểu và thực tâm tìm phương thế giải quyết sự mâu thuẫn: là hằng ngày thế giới của người lớn bỏ ra cả tỷ Mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị về vũ khí.
Trong khi đó, trên thế giới có 800 triệu người sống dưới mức tối thiểu cần thiết cho con người, nghĩa là họ đang bị đe dọa chết đói. Có 600 triệu người trên thế giới đang bị mù chữ. Chỉ có 4 trong số 10 trẻ em được cắp sách đến trường tiểu học trong hơn ba năm. Và cứ 10 đứa trẻ sinh ra trong cảnh cơ hàn thì 2 trẻ bị chết trong năm đầu tiên.
Vâng, thế giới người lớn phải bắt đầu loại bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình, nếu họ muốn trẻ con cũng noi gương chơi trò chơi ấy.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét