Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật XX Thường Niên 21.08.2015

Thánh Pio X giáo hoàng - Lễ nhớ

PHÚC ÂM: Mt 22,34-40
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". (Mt 22,38-40)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. - 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : 36"Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" 37 Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

Suy niệm:
Giới răn trọng nhất

“Đây là lệnh truyền của Thầy : “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.” (Ga 15,12)
Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật. Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: "Thiên Chúa là Tình Yêu", và ngài dẫn giải: "Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy".(1 Ga 4,20)
Nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Ðạo là Yêu Thương.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Yêu người như Chúa

Người thế gian không có bức gương hoàn toàn nào về đức yêu người để bắt chước. Trái lại, người công giáo có bức gương hoàn toàn về đức yêu người để noi theo, đó là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, như lời ngài phán rõ: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
ü Khi Chúa Giêsu giáng sinh, ngài tha thứ cho vua Hêrôđê đã dã tâm tìm cách giết ngài.
ü Trong suốt ba năm Chúa Giêsu đi giảng đạo, tất cả những ai đui mù, què quặc, câm điếc, bất toại, phung hủi, quỷ ám, hoang đàng, tội lỗi, đều đặt hết lòng tin tưởng vào ngài, chạy đến xin ngài nâng đỡ ủi an.
ü Chúa Giêsu ân cần đón tiếp tất cả những ai đau khổ hồn xác với một lòng yêu thương vô hạn: “Hỡi những ai lao khổ nhọc nhằn, hãy đến với Ta, Ta bổ sức lại cho”. Và để chứng minh lời nói của mình, Chúa Giêsu sẵn sàng làm đủ mọi phép lạ để nâng đỡ họ.
ü Chúa Giêsu không bao giờ nói những lời sâu độc chua cay làm mất lòng ai, trái lại, ngài luôn bịt tai, không muốn nghe những lời chua chát đó phát xuất ra từ một ai. Vì thế, ngài rất cực lòng khi thấy các tông đồ, vì thiếu lòng thương yêu nhau thật, nên thường sống cay cú và xoi bói nhau. Ngài luôn cầu xin Đức Chúa Cha ban ơn cho họ được hiệp nhất và yêu thương nhau.
ü Khi còn sống cũng như lúc sắp chết, Chúa Giêsu chỉ biết yêu thương và tha thứ. Khi Giudà đến bắt ngài nộp cho quân dữ, ngài vẫn yêu thương tha thứ: “Này bạn,  bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!”.
ü Khi quân dữ nhổ nước miếng vào mặt Chúa Giêsu, đội mão gai nhọn sắc trên đầu ngài, đánh đập ngài tàn nhẫn, nhạo báng ngài đủ cách, ngài vẫn hiền lành như con chiên, im lặng không mở miệng nói ra một lời tức tối. Và khi hấp hối trên thập giá, thấy những thái độ vô ơn, nghe những lời phỉ báng thậm tệ, ngài vẫn cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Bác ái chính là đồng phục của người Kitô hữu. Nếu ngày nào chúng con yêu người anh em mình chưa đủ thì xin nhắc cho chúng con nhớ lại Lời Chúa: “Điều gì các con làm cho người bé nhỏ nhất là các con làm cho chính Ta”.(Mt 25,45).

Lẽ sống:
Kẻ thù trong mơ

Ðời Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.
Sáng hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất".
Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù. Ðã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên và chết.
Nhà diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, bởi vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt chính mình.
Chúa Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau. Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. 
Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng ta: "Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi". (Lc 6,27) Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay chính trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và làm ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta tự giam hãm trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét