Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy sau Chúa nhật XX Thường Niên 22.08.2015

Đức Maria Nữ Vương - Lễ nhớ
Lạy Mẹ Maria, khi đọc sách Tin Mừng, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà I-sa-ve, Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới Cana. Và cuối cùng, Mẹ đã theo Ngài đến tận núi Sọ. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng mời gọi mới của Chúa.

PHÚC ÂM: Lc 1,26-38
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kito theo Thánh Luca
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 
30 Sứ thần liền nói : "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." 
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !" 
35 Sứ thần đáp : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." 
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Suy niệm:
Lời xin vâng của Mẹ

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng xin vâng thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng thật lớn lao.
Trước hết hai tiếng xin vâng có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa.
Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc nhưng nếu con người từ chối thì Ngài không thể ban hạnh phúc cho con người. Như chúng ta biết, chương trình đầu tiên của Ngài đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa. Trái lại, Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa có sự cộng tác đắc lực của Mẹ khởi đi từ lời thưa xin vâng.
Hai tiếng xin vâng của Mẹ vọng lại hai tiếng xin vâng của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Vì vâng lời Chúa Cha, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người. Hôm nay khi Đức Mẹ nói tiếng xin vâng với Thiên thần thì Đức Giêsu cũng nói xin vâng với Chúa Cha. Với hai tiếng xin vâng, Đức Mẹ góp phần khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng xin vâng, Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.
Kể từ lúc thưa xin vâng với sứ thần truyền tin, cả cuốc sống của Mẹ là một chuỗi những tiếng thưa xin vâng.
Thưa xin vâng khi cảm nhận được từng nhịp đập của trái tim con Thiên Chúa trong lòng mình.
ü Thưa xin vâng trên đường đi Bêlem giữa lúc bụng mang dạ chửa.
ü Thưa xin vâng khi lặn lội bước hành hương trong nghịch cảnh.
ü Thưa xin vâng khi lạc mất con trong đền thờ.
ü Thưa xin vâng khi chứng kiến con Thiên Chúa lớn lên từng ngày trong cuộc sống.
ü Thưa xin vâng để dõi theo từng bước trong sứ mệnh rao giảng của Chúa Giêsu.
ü Thưa xin vâng khi đứng dưới chân thập giá.
ü Thưa xin vâng để ôm trọn lấy tấm thân rách nát vì thương tích của Chúa Giêsu và nhất là thưa xin vâng khi đứng bên mồ Chúa Giêsu để tiếp tục cất giữ và suy niệm mọi điều xảy ra. Mẹ tin rằng mọi sự sẽ được hoàn tất theo đúng chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Để nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa, Đức Mẹ đã phải nói “không” với chính mình. Để một lần nói xin vâng với Thiên Chúa, Mẹ đã phải nhiều lần nói “không” với chính mình. Tiếng “vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh nhỏ bé âm thầm.
tgpsaigon
Sống Lời Chúa:
Lời đẹp nhất trong cuộc đời Đức Maria là lời thưa xin vâng. Mỗi người chúng ta cũng hãy dâng cho Chúa những gì đẹp nhất để Chúa thực hiện điều Ngài muốn.

Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria! lời xin vâng của Mẹ khởi đầu cho một chương trình cứu độ của Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Con người được giải thoát nhờ sự cộng tác của Mẹ bằng cả đời sống xin vâng, xin cho chúng con cũng biết sống xin vâng như Đức Mẹ, để qua con, Chúa cũng sẽ thực hiện chương trình của Ngài cho gia đình con, cho những người thân quen, cho những người con sẽ gặp gỡ và cho chính con nữa.

Lẽ sống:
Trinh Nữ Vương

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.
Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh:“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy...” lược dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: “Salve Regina...” vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với Mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.
Trong tông huấn mang tựa đề: “Lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria”, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền”.
Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.
Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét