Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật XVIII Thường Niên 07.08.2015

PHÚC ÂM: Mt 16,24-28
"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
27 "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị."

Suy niệm:
Giá trị của khổ đau

Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su (Mc 8:34 - 9:1; Lc 9:23 -27 )
Đức Giêsu dạy những ai muốn đi theo làm môn đệ của Người phải có đủ 3 điều kiện như sau: Một là phải có tinh thần siêu thoát, hai là phải vác thập giá đời mình, ba là phải suy tính khôn ngoan và kiên trì đi theo Người.
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi” (Lc 14,26)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Chính Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không còn ai, nên Chúa Giêsu đã mời gọi con người theo Thiên Chúa đó mà thôi. Hệ luận của việc “theo” này dẫn người ta tới việc “bỏ mình”: bỏ tính mê nết xấu, bỏ thói quen tội lỗi, bỏ cả mạng sống, bỏ “lời lãi của thế gian”. Nói tóm lại, từ việc tin thờ một Thiên Chúa duy nhất, người ta phải tôn thờ một mình Ngài mà thôi.

Cầu nguyện:
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng con vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

Lẽ sống:
Con bọ cạp giữa dòng sông

Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...
Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước.
Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật.
Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.
Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: "Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi".
Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: "Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt".
Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù... Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc... Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc "biệt phái". Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét