Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy sau Chúa nhật XVIII Thường Niên 08.08.2015

Thánh Đaminh, linh mục - Lễ nhớ.

PHÚC ÂM: Mt 17,14-20
"Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được" (Mt 17,20).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
14 Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su15 và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được."17 Đức Giê-su đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.
19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "20 Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

Suy niệm:
Ðức Tin rất cần thiết

Đức Giê-su chữa đứa trẻ bị kinh phong (Mc 9:14 -29; Lc 9:37 -43 a)
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa một đứa bé bị kinh phong. Có thể nói, không có gì đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xảy ra do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu yêu thương và muốn cứu chữa con người khỏi mọi tật bệnh; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào. Ngài cũng đòi hỏi phải có đức tin. Nếu việc cứu chữa riêng lẻ đó chỉ là hình ảnh lu mờ của việc cứu chữa tối hậu mà Chúa còn đòi hỏi đức tin, thì để được cứu rỗi trong thời cứu độ viên mãn, đức tin còn cần thiết biết chừng nào.
Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì chẳng có gì các con không làm được. Đức tin làm cho chúng ta từ con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa; đức tin giúp cho những việc tầm thường trong đời sống trở thành có giá trị vĩnh cửu; đức tin cho chúng ta có cái nhìn lạc quan tin tưởng vào mọi biến cố cuộc sống; đức tin giúp con người làm được những điều mà người không có đức tin không hiểu nổi: các thánh tử đạo can đảm chấp nhận cái chết đau thương, các thánh hiển tu đã từ bỏ tất cả để hoàn toàn sống theo Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự tác cộng tác của con người.”
Sức mạnh của đời sống người Kitô hữu tùy thuộc vào mức độ của lòng tin. Lòng tin yếu, người Kitô hữu sẽ bất lực; còn lòng tin mạnh, người Kitô hữu sẽ vượt qua mọi thử thách.

Cầu nguyện:
Nguyện xin Chúa củng cố đức tin của chúng con để nhận ra bàn tay Chúa luôn dẫn dắt chúng con và luôn sống trong bình an dưới sự chăm sóc của Đấng Toàn Năng.

Lẽ sống:
Vị thánh của kinh Mân Côi

Ðaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ðaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Ðaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.
Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ðaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung lay niềm tin của nhiều người.
Ðaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ðaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.
Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phê chuẩn dòng do cha Ðaminh sáng lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" theo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ðaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ðaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.
Trong suốt cuộc sống, Ðaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.
Cha Ðaminh qua đời tại Bologna bên Italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.
Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.
Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay. Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét