Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư sau Chúa nhật III Mùa Chay. 11.03.2015

PHÚC ÂM:   Mt 5,17-19
“Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là kẻ lớn.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Suy niệm:
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Sau bài giảng trên núi, trong dân chúng có dư luận cho rằng Chúa Giêsu đến là để huỷ bỏ lề luật của Môisê và các tiên tri. Vậy do đâu mà các môn đệ và nhiều người khác nghĩ như thế? Đơn giản là do những lời nói và hành động của Chúa Giêsu quá “lạ” đối với họ, chẳng hạn: Ngài tự so sánh mình như rượu mới (x. Lc 5,39); Ngài tuyên bố Con Người làm chủ ngày Sabát (x. Mt 12,8); Ngài dạy dỗ không nhân danh Môsê, nhưng nhân danh chính mình (x. Mt 7,28-29); v.v... Đây chính là những nguyên nhân khiến cho dân chúng nghĩ rằng Chúa Giêsu đến để huỷ bỏ lệ luật.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã quả quyết rằng Ngài đến là để kiện toàn, chứ không phải để huỷ bỏ lề luật. Vấn đề đặt ra là tại sao Chúa Giêsu lại phải kiện toàn những luật lệ, vốn dĩ đã được coi là thánh luật, thiên luật, tức là luật mà Giavê Thiên Chúa đã truyền cho Môisê. Cũng không khó để trả lời thắc mắc này. Thứ nhất vì theo thời gian, con người đã thêm thắt hay chi tiết hoá và làm cho luật bị méo mó, lệch lạc. Thứ hai vì lề luật cũng có tính cách tiệm tiến như mạc khải. Nghĩa là không thể một lúc, một thời mà luật trở nên hoàn hảo được. Không phải vì Thiên Chúa không hoàn hảo, mà vì khả năng của người tiếp thu, lĩnh hội luật có giới hạn và bất toàn.
Luật mà Chúa Giê-su đề cập ở đây là Luật của Thiên Chúa ban cho Mô-sê trên núi Si-nai, là Mười Điều Răn. Luật này tóm gọn luật luân lý tự nhiên được Thiên Chúa đặt để trong lương tâm mỗi người, vì thế, Luật này có giá trị muôn thuở, tuyệt đối và đòi buộc tất cả mọi người. Mọi xáo trộn trong các mối tương quan đều do không tuân giữ Luật này. Người Do Thái tưởng Chúa Giê-su đến loan báo một Thiên Chúa nào khác và một thứ luật xa lạ. Nhưng không, Thiên Chúa mà Giê-su loan báo là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp và Lề Luật Ngài kiện toàn là Lề Luật Thiên Chúa ban. Đối với Ngài, điều cốt yếu để sống Luật Chúa trọn hảo là thi hành Luật với tình yêu, vì tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn: mến Chúa, yêu người (Mt 22,40). Nơi Chúa Giê-su, tình mến Chúa và yêu người được diễn tả trọn hảo. Ngài là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và là tình yêu của con người phải có dành cho Thiên Chúa. Nếu tình yêu là chìa khóa kiện toàn Luật, thì Luật đã được kiện toàn trong Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa:
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết tôn trọng và tuân giữ luật của Chúa Giêsu, luật đã được Ngài kiện toàn và đã trở nên luật của sự sống sung mãn. Tất nhiên là tuân giữ với lòng yêu mến. Yêu mến vì Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi ách của luật bất toàn và nặng nề tức luật cũ, để đưa ta vào luật yêu thương và tự nguyện: giữ luật do lòng cảm mến và hiểu biết, chứ không vì sự miễn cưỡng hay gò ép.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con lòng mến yêu Chúa nơi con được lớn mạnh thêm khi con thi hành luật Chúa.

Lẽ sống:
Cái tách thân thương

Thánh Phanxico Assisi, nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết: "Người nghèo của Chúa" do văn sĩ Hy Lạp Nikos Kazantakis biên soạn, đã kể cho huynh Lêô nghe câu chuyện như sau:
"Có một vị ẩn sĩ nọ được nhìn thấy Chúa, nhưng không bao giờ đạt được ước nguyện. Vẫn còn một cái gì vướng mắc trong cái nhìn khiến ông không thể nào nhìn thấy Chúa được. Càng cố gắng đọc kinh cầu nguyện bao nhiêu, càng ăn chay hãm mình bao nhiêu, ông càng thất vọng bấy nhiêu. Ông vẫn không hiểu đâu là chướng ngại khiến ông không thể trông thấy Chúa được.
Thế rồi, một buổi sáng nọ, khi vừa ra khỏi giường, ông bỗng reo hò sung sướng, thì ra ông đã tìm ra lý do. Ðó là một cái tách uống nước nhỏ, nhưng rất đẹp mà gia đình đã tặng cho ông. Ðây là kỉ niệm duy nhất của gia đình mà ông cố gắng gìn giữ như một báu vật. Và dĩ nhiên, đây cũng là của cải trần thế duy nhất mà ông còn bám víu vào. 
Không một chút do dự luyến tiếc, vị ẩn sĩ cầm lấy chiếc tách thân yêu ném xuống nền nhà: Từng mảnh vụn vỡ ra, từng luyến tiếc tan vỡ...
Vị ẩn sĩ ngước nhìn lên, và sáng hôm sau ông đã nhìn thấy Chúa".
Sách xuất hành đoạn 33 từ câu 18 đến câu 23 thuật lại rằng: một hôm Môisen thưa với Chúa rằng ông ước ao được nhìn thấy Dung Nhan Ngài. Lúc bấy giờ Chúa mới trả lời cho Môisen: "Không ai có thể nhìn thấy Ta mà vẫn còn sống". Liền sau đó, Thiên Chúa bảo Môisen nấp sau một tảng đá lớn để chỉ nhìn thấy sau lưng của Ngài mà thôi.
Khao khát được nhìn thấy Chúa: đó cũng phải là ước mơ duy nhất của người tín hữu Kitô. Chúng ta được tạo thành cho Chúa, chúng ta chỉ được yên nghỉ khi được ngắm dung nhan Ngài mà thôi! Nhưng không ai có thể nhìn thấy nhan Chúa mà vẫn còn sống.
Ðiều đó có nghĩa là nỗi khao khát được thấy Chúa chỉ lớn lên trong chúng ta khi chúng ta biết dẹp bỏ những vướng bận và vướng ngại trong chúng ta... Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: của cải chúng ta ở đâu thì tâm trí chúng ta cũng ở đó. Nếu chúng chạy theo tiền của, danh vọng, lạc thú thì lòng trí chúng ta sẽ không muốn tưởng nghĩ đến Chúa.
Có chết đi cho bản thân, chúng ta mới khao khát gặp gỡ Chúa... Thiên Chúa cho chúng ta thấy được đằng sau lưng của Ngài, phải chăng đó không phải là sự hiện diện và tác động của Chúa trong các biến cố và những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân?... Có ra khỏi chúng ta, chúng ta mới có thể nhìn thấy bóng dáng của Chúa trong các biến cố của cuộc sống chúng ta. Có ra khỏi chúng ta, chúng ta mới thấy được sự hiện diện của Chúa trong người anh em của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét