Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT III MÙA CHAY. 08.03.2015

PHÚC ÂM:   Ga 2,13-25
“Cứ phá huỷ đền thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. 24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, 25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
Suy niệm
Thanh tẩy Đức Tin

Cứ mỗi độ xuân về, người dân Việt chúng ta, sau khi đón xuân mới, là khởi đầu chiến dịch đi lễ hội đầu năm. Từ một hai thập kỷ trở lại đây, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, những lễ hội truyền thống sau một giấc ngủ dài trong thời bao cấp, được khôi phục khắp nơi, đua nhau nở rộ như nấm mọc sau mưa. Đương nhiên, nhưng lễ hội này đều góp phần tích cực giúp con người hướng thiện, nhưng khá nhiều lễ hội bị nhuốm màu thương mại và mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp do cách hành xử thiếu văn hóa, thậm chí còn cướp giật, đánh nhau đến đổ máu. Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.
Vào thời Chúa Giêsu, Đền thờ Giêrusalem là nơi thiêng thánh cũng bị lạm dụng. Người ta buôn bán chiên bò, chim câu và đổi tiền. Tất cả những dịch vụ này cũng núp dưới danh nghĩa phục vụ khách hành hương, nhất là vào dịp lễ trọng của người Do Thái là lễ Vượt qua. Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh này. Người đã nghiêm khắc xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Cả bốn thánh sử đều ghi lại sự kiện này, nhưng Thánh Gioan là người diễn tả hành động của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ quyết liệt nhất: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ…”. Tuy vậy, nếu ba tác giả của Tin Mừng nhất lãm đều nói đến việc Đức Giêsu “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ”, thì thánh Gioan lại cho biết, Chúa chỉ yêu cầu mang các loại hàng hóa xâm nhập Đền Thờ và làm cho nơi thánh trở thành chốn thương mại.
Phải chăng Thánh Gioan muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu không xua đuổi con người tội nhân, nhưng xua đuổi những hành động tội lỗi, và như thế, Người mời gọi chúng ta hãy thanh tẩy cách sống Đức Tin.
Chúng ta vui mừng và tạ ơn Chúa vì giáo dân Việt Nam vẫn chăm chỉ đi lễ, tham dự các nghi thức phụng vụ. Tỷ lệ người tín hữu đi lễ Chúa nhật đạt ở mức rất cao. Tuy vậy, nếu để ý chi tiết đến tâm tình của các tín hữu trong đời sống Đức Tin, chúng ta sẽ thấy khá nhiều người chưa có đời sống nội tâm, tức là Đức Tin và giáo huấn của Chúa chưa thấm nhập cuộc đời của họ. Nói cách khác, nhiều người tín hữu vẫn mang hai khuôn mặt, một khuôn mặt ở trong nhà thờ sốt sắng hiền lành, một khuôn mặt ngoài xã hội gian dối mưu manh. Nhiều người khác lại có một Đức Tin pha tạp, vừa tin và cầu nguyện với Chúa, vừa có những thực hành mê tín dị đoan, nhất là nơi những người kinh doanh buôn bán. Họ viện cớ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nên dù là người Công giáo mà vẫn thờ thần tài, vẫn xem bói, xem hướng, xem ngày xem giờ… Đây là thái độ “bắt cá hai tay” không phù hợp với Đức Tin. Thái độ này đã nhiều lần bị Chúa Giêsu đã lên án.
Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới. Thanh tẩy Đức Tin là điều kiện thiết yếu để chúng ta đổi mới cuộc đời. Bởi lẽ, nhờ Đức Tin tinh tuyền, chúng ta mới có thể sống Đạo chân thành trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
Nhờ Đức Tin được thanh tẩy, chúng ta xác tín và trung thành với Thiên Chúa, Đấng độc nhất đáng tôn thờ. “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta!”. Đó là khoản đầu tiên trong luật Giao ước mà Chúa đã truyền cho dân Do Thái qua ông Môisen (Bài đọc I). Trải qua những biến chuyển của mọi thời đại, Do Thái giáo luôn tự hào vì là tôn giáo độc thần, tức là chỉ có Thiên Chúa là Đấng họ tôn thờ. Họ sắt son một lòng với Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ luật Ngài truyền, kể cả khi phải đổ máu, như trong thời kỳ bị người Hy Lạp chiếm đóng và thôn tính. Đức Tin tinh tuyền nơi Thiên Chúa là nền móng cho việc thực hành các lệnh truyền khác liên quan đến đức hiểu thảo, đức công bằng, đức trong sạch, đức công chính và các nhân đức khác trong cuộc sống.
Những lệnh truyền của luật Giao ước chính là Mười Điều Răn của Chúa, được tuyên xưng và áp dụng trong đời sống Kitô hữu. Khi xét mình hòa giải với Chúa, chúng ta dựa trên những nguyên tắc căn bản này để lượng giá những lời nói, tư tưởng, hành vi của mình. Rất tiếc, nhiều Kitô hữu, nhất là những bạn trẻ, không thuộc kinh Mười Điều Răn, vì vậy, họ không định hướng được cuộc đời của mình. Họ nói tin vào Chúa mà không biết Chúa là ai và phải làm gì để thực hành Đức Tin.
Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Người cũng dùng máu Người đổ ra trên thập giá để thanh tẩy tội lỗi của nhân loại. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng rao giảng mầu nhiệm thập giá, “điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (Bài đọc II). Trái lại với sự xét đoán của thế gian, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có những lúc, người tin vào Chúa bị coi như những người điên rồ hoặc những người đi ngược dòng. Tuy vậy, cũng như sự điên rồ của thập giá đã cứu vớt nhân loại, những ai theo Chúa Giêsu, dù có thể bị coi là ngu dại, chắc chắn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm vui của Đấng phục sinh.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám Mục Hải Phòng

Cầu nguyện:
Nguyện xin Chúa luôn nâng đỡ và trợ giúp để chúng ta biết thanh tẩy mình mỗi ngày nên tinh tuyền, xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự, và là viên đá sống động xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô mỗi ngày một vững mạnh hơn.

Lẽ sống:
Phục sinh

Một linh mục Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: "Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được".

Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng dậy được không? Ông có muốn đi không?". Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: "Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được".
Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật".
Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị cộng đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.
Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giêsu đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống".
Tin mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các môn đệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét