Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật IV Mùa Chay. 16.03.2015

PHÚC ÂM:   Ga 4, 43-54
"Đức Giêsu bảo: ông hãy về đi con ông sống, Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với minh và ra về". (Ga,50).
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
43 Sau hai ngày, Đức Giêsu bỏ nơi đó đi Galilê. 44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. 45 Khi Người đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ. 46 Vậy Đức Giêsu trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. 47 Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48 Đức Giêsu nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!" 49 Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!" 50 Đức Giêsu bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. 51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. 52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." 53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin. 54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê.

Suy niệm:
 ĐỨC TIN

Chúa Giêsu chữa lành con trai người quan chức tại Caphacnaum khi Ngài ở Giuđa về Galilê và thánh sử Gioan ghi rõ đây là phép lạ thứ hai Ngài thực hiện tại Cana. Phép lạ thứ nhất là hóa nước thành rượu vào giai đoạn đầu đời rao giảng công khai. Hóa nước thành rượu theo lời đề nghị của Ðức Maria, Mẹ Ngài, để cứu vãn danh dự cho gia chủ tiệc cưới. Chữa lành người con một quan chức nhà vua, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đến vì mọi người và ở mọi tầng lớp xã hội. Ngài đã ra tay để mang lại hạnh phúc cho mọi người không cần biết họ là ai và điều kiện đón nhận phép lạ là đức tin. Ðức tin của con người cộng với ơn của Thiên Chúa tạo nên phép lạ.
Cuộc sống càng ngày sung túc tiện nghi nhưng con người vẫn không hết canh cánh trong lòng nỗi lo bệnh tật. Khoa học tiến bộ bao nhiêu thì các bệnh mới lại phát sinh bấy nhiêu, khiến cho các phương pháp trị liệu không kịp thích ứng. Đứng trước những căn bệnh nan y, người ta mới thấy mọi vấn đề nhân sinh đều có liên hệ đến những giá trị đức tin. Với một số người, bệnh tật có thể là cớ vấp phạm, họ thất vọng và oán trách Thiên Chúa. Thế nhưng, với một số khác, đó lại là phương thế giúp họ thêm hy vọng, tín thác vào Chúa. Qua cơn trọng bệnh của đứa con trai, gia đình viên sĩ quan nhờ đó mà được ơn đức tin. Vượt quãng đường xa hơn 30km từ Ca-phác-na-num đến Ca-na để gặp Đức Giê-su, ông an tâm ra về, tin vào lời cam kết con ông sẽ sống mà không cần ông Thầy Giê-su ấy đến nhà chữa bệnh. Quả thật, bệnh tật là một thách thức không nhỏ cho đức tin, nhưng cũng từ đó đức tin được thêm vững vàng.
Mỗi ngày sống hôm nay của chúng ta là sự lạ lùng Thiên Chúa thực hiện. Không nhận ra được sự lạ lùng ấy là vì chúng ta không có đức tin. Không có thì không phải Thiên Chúa không ban ơn đức tin cho chúng ta đâu mà là do chúng ta không muốn lãnh nhận ơn ấy vì sợ sệt, sợ phải sống theo Tin Mừng, sợ nên thánh, sợ phải sống tốt hơn…
Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải thì các con có thể làm những việc lạ lùng (x. Mt 17,20).

Sống Lời Chúa:
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, đôi lúc chúng ta không tin vào Thiên Chúa, chúng ta tin vào người này người kia, chúng ta tin vào tiền của chúng ta tin vào thế lực khác. Điều cốt yếu là tin vào Thiên Chúa thì chúng ta lại không tin, nếu không tin vào Thiên Chúa thì chúng ta không bao giờ được bình an.
Hãy tin tưởng nơi Thiên Chúa cách tuyệt đối.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho những ai tin cậy vào Chúa. Xin củng cố niềm tin của chúng con, để khi đã được ơn Chúa tái sinh, cuộc đời chúng con trở nên dấu chỉ sống động cho tình thương và sự hiện diện của Chúa.

Lẽ sống:
Cuộc săn thỏ

Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:
Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì... Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ.
Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.
Vị tu sĩ đã đưa ra kết luận như sau: "Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc".
Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ... Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi... Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. 
Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế... Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi... Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.
Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét