Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật II Mùa Chay. 06.03.2015

PHÚC ÂM:   Mt 21,33-43.45-46
“Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây : Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước ; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !’ 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. 40 Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” 41 Họ đáp : “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” 42 Đức Giê-su bảo họ : “Kinh Thánh có câu : ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao ?
43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”
45 Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. 46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

Suy niệm:
SINH ÍCH LỢI TÂM HỒN

1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như một Giuse mới. Giuse cũ trong Cựu Ước đã lấy ơn để trả oán. Chúa Giêsu - Giuse mới trong Tân Ước còn hay hơn: Không phải chỉ lấy ơn trả oán mà còn lấy cái chết để cứu chuộc cả những người hành hạ mình nữa. Việc làm của Chúa quả là một việc lạ thường, con người khó mà hiểu nổi.
“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc.” (Mt 21,42)
Viên đá mà “những người thợ xây” - tức loài người chúng ta - coi là đồ bỏ, thì Thiên Chúa đã biến thành tảng đá góc tường. Xin mở một dấu ngoặc: Vào thời Chúa Giêsu, khi phải xây ngôi nhà có mái vòm lớn trên nóc, người ta phải có một viên đá đặt ở trên chóp đỉnh để chịu lực. Viên đá đó có một vai trò rất đặc biệt. Nó giữ cho những viên ngói trên mái vòm được liên kết với nhau nhờ thế mà cả mái vòm được đứng vững. Khi ví mình như một viên đá góc, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: Hãy nhìn mọi sự trong tinh thần lạc quan, không được phép thất vọng hay buồn phiền, nhất là khi phải đối diện với những bất công khổ đau trong cuộc sống.
Ở Mỹ có một tảng đá rất nổi tiếng. Đó là tảng đá Balebon tại tiểu bang California.
Ngày nọ, có một người dân làm đơn khiếu nại sở Kiều lộ. Người này báo động rằng vì nạn đất chùi, tảng đá này có thể đổ xuống làm hư nhà cửa của họ; và thế là với hai chiếc trực thăng yểm trợ cho hai xe cẩu loại lớn, người ta đã đưa tảng đá lên xa lộ.
Theo dõi câu chuyện trên đài truyền hình, một người Úc nọ đã đến xin mua tảng đá ấy. Sở Kiều lộ của thành phố đã bán tảng đá này với giá 100 Mỹ kim. Những người có trách nhiệm của thành phố đã mừng thầm vì cảm thấy ít ra cũng có người giúp họ di chuyển cái "của nợ" ấy đi. Sau đó, người Úc kia đã bỏ ra 20.000 Mỹ kim nữa để thuê xe chuyên chở tảng đá ấy về nhà, và sau bốn tháng miệt mài làm việc, anh đã tạc được chân dung của một tài tử nổi tiếng chuyên đóng phim cao bồi. Đó là món quà quí nhất mà người này dành cho tài tử yêu quí trước khi nhắm mắt lìa đời. Không bao lâu sau đó, tác phẩm ấy đã được bán cho một người chuyên sưu tầm tượng ảnh với giá một triệu Mỹ kim.
Tảng đá Balebon trên đây đã bị nhiều người xem là một "của nợ", nhưng một người Úc đã nhìn ra những giá trị tiềm ẩn trong đó. Nó đã trở thành một thách đố để thực hiện một công trình vĩ đại. Và cuối cùng, công trình đã được hoàn thành. Từ một tảng đá đáng bỏ đi nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật và giá trị của nó không thể ngờ được.
Trước Công nghị Do Thái, thánh Phêrô đã giải thích về cái chết của Chúa Giêsu, với câu nói thời danh: "Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường” (Cv 4,11).
2. Hãy nhìn vào tấm gương đó để chúng ta bắt chước.
Thời Xuân Thu chiến Quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên giới và dân cư của hai nước sống ở gần biên giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vì chịu khó vun xới chăm bón cho nên dưa tốt, quả nhiều. Còn người bên nước Sở thì vừa lười vừa làm biếng, chẳng chịu chăm sóc tưới bón nên dưa xấu, quả ít. Quan huyện sở tại bên nước Sở thấy vậy thì tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy cũng đem lòng ghen ghét, nên cứ tối tối, lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác.
Những người trồng dưa bên nước Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng định rắp tâm sang phá dưa bên nước Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm, mưu cao liền can ngăn và bảo: “Nếu lấy ác mà xử ác thì chỉ gây thù chuốc oán, gieo mầm loạn lạc binh đao. Thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới dưa cho họ, đó mới là thiện chí”.
Nói là làm. Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân nước Sở lấy làm lạ, cũng để ý rình rập, sau mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa cho mình. Quan bản địa bên nước Sở thấy vậy lấy làm hổ thẹn. Sự việc đến tai vua nước Sở. Vua nước Sở cũng lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng, ngoài cái tội phá dưa của người ta ra, còn thêm một tội khác nữa là gây ra thù oán. Vua nước Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện, khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi, tỏ lòng hiếu hòa bang giao.
Thế là hai nước giữ được sự yên bình lâu dài và dân cư thái bình.
Giá mà mỗi người chúng ta cũng biết sống như quan huyện nước Lương thì cuộc sống của mọi người sẽ đẹp biết bao!

Sống Lời Chúa:
Đường lối Chúa quả thật rất kỳ diệu mà con người không thể hiểu thấu được; và mỗi người cũng vậy, chắc chắn Thiên Chúa đã và đang chuẩn bị một chương trình nào đó, mà chỉ Ngài mới biết.
Một nhà tu đức nói rằng: “Trên những nét cong của cuộc đời, Chúa sẽ vẽ nên những con đường thẳng”. Nét cong của cuộc đời, đó chính là những điều trái ý, những sự dữ, tội lỗi,… Chúa cũng sẽ biến nó thành những điều tốt đẹp cho chúng ta. Một thất bại, một biến cố đau buồn, một khó khăn,… tất cả đều có giá trị cho chúng ta trong bàn tay của Chúa quan phòng; bởi sự quan phòng của Chúa cũng chính là biến những điều xấu thành điều tốt cho chúng ta.
Làm các việc bổn phận của mình một cách trung thực và với tất cả tinh thần trách nhiệm.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con biết rằng đường lối Chúa thật kỳ diệu biết bao, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, chúng con không còn phải sợ hãi gì nữa. xin cho chúng con xác tín và ngày càng xác tín hơn điều đó, để trao phó hết cuộc đời này vào Chúa.

Lẽ sống:
Những tác phẩm để đời

Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức Giáo Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị Hồng Y tụ tập để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.
Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.
Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: "Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại: "Chừng nào con có thể!". Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn: "Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...". Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: "Thưa Ðức Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...".
Có những bản nhạc, có những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.
Danh họa và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác phẩm của mình. Quả thực, ông đã để lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Maisen, tượng David và các bức bích họa trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.
Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập: tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.

Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nhưng mỗi đời người là một công trình cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét