Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm Tuần Thánh. 02.04.2015

PHÚC ÂM:   Ga 13, 1-15
"Ngài yêu thương họ đến cùng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
 6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘ Thầy ‘, là ‘ Chúa ‘, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Suy niệm:
 Tình yêu đích thực

Phụng vụ Lời Chúa chiều Thứ Năm Tuần Thánh mặc khải  cho thấy :
a) Tinh yêu đích thực là một tình yêu nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới, trước sau như một, đến độ hy sinh cả mạng sống của mình (1 Cr 11, 24-25; Ga 13, 12-15); b) cái chết thể lý (bios) và đặc biệt cái chết thuộc thần linh (psuché) của Đức Giêsu-Kitô trên Thập giá chính là Chiến thắng khải hoàn của Tình yêu dâng hiến đó và chính vì thế, có khả năng cứu độ loài người (Xh 12, 13-14; 1 Cr 11, 24-26; Ga 13, 1.3).
Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, thường nghiên cứu, phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn rất nhiều giấy mực, để lý giải tình yêu... nhưng có lẽ rất ít người hiểu cho đúng tình yêu là gì.
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là nhà thơ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết:
"Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt..."
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trứ danh, khuyên chúng ta - trong bài "Ðà Lạt trăng mờ" - như sau:
"Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Ðể nghe dưới đáy, nước hồ reo
Ðể nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu."
"Và để xem Trời giải nghĩa yêu!" Ðúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là phẩm chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để "giải nghĩa yêu".
Chúa Giê-su "giải nghĩa yêu" khi Ngài ngỏ lời với ông Nicôđêmô biết: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).
Chúa Giê-su cũng đã "giải nghĩa yêu" khi Ngài nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình." (Ga 15, 13)
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi... Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.
Nhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ. Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: "Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng... Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Ðức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau." (Ga 13, 1.4-5).

Sống Lời Chúa:
Chúa đã ban quà cho nhân loại bằng chính Mình Thánh Chúa.. Biết ơn Chúa, chúng ta phải trân trọng hưởng dùng và sống bác ái như Chúa đã làm gương.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa,  xin cho con biết cám ơn Chúa hằng ngày bằng cả ngày sống của con. Nhờ được kết hiệp với Chúa và được hưởng trọn tình yêu của Chúa, xin cho con biết sống hiệp nhất với tha nhân và chia sẻ tình yêu của con chan hòa đến cho mọi người.

Lẽ sống:
Ve sầu kêu ve ve

"Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn "Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột vỏ, biến thành con ve với hai cánh dài để bay... Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất là đẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét