Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm Tuần Thánh. 02.04.2015

PHÚC ÂM:   Ga 13, 1-15
"Ngài yêu thương họ đến cùng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
 6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘ Thầy ‘, là ‘ Chúa ‘, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Suy niệm:
 Tình yêu đích thực

Phụng vụ Lời Chúa chiều Thứ Năm Tuần Thánh mặc khải  cho thấy :
a) Tinh yêu đích thực là một tình yêu nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới, trước sau như một, đến độ hy sinh cả mạng sống của mình (1 Cr 11, 24-25; Ga 13, 12-15); b) cái chết thể lý (bios) và đặc biệt cái chết thuộc thần linh (psuché) của Đức Giêsu-Kitô trên Thập giá chính là Chiến thắng khải hoàn của Tình yêu dâng hiến đó và chính vì thế, có khả năng cứu độ loài người (Xh 12, 13-14; 1 Cr 11, 24-26; Ga 13, 1.3).
Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, thường nghiên cứu, phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn rất nhiều giấy mực, để lý giải tình yêu... nhưng có lẽ rất ít người hiểu cho đúng tình yêu là gì.
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là nhà thơ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết:
"Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt..."
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trứ danh, khuyên chúng ta - trong bài "Ðà Lạt trăng mờ" - như sau:
"Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Ðể nghe dưới đáy, nước hồ reo
Ðể nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu."
"Và để xem Trời giải nghĩa yêu!" Ðúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là phẩm chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để "giải nghĩa yêu".
Chúa Giê-su "giải nghĩa yêu" khi Ngài ngỏ lời với ông Nicôđêmô biết: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).
Chúa Giê-su cũng đã "giải nghĩa yêu" khi Ngài nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình." (Ga 15, 13)
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi... Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.
Nhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ. Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: "Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng... Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Ðức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau." (Ga 13, 1.4-5).

Sống Lời Chúa:
Chúa đã ban quà cho nhân loại bằng chính Mình Thánh Chúa.. Biết ơn Chúa, chúng ta phải trân trọng hưởng dùng và sống bác ái như Chúa đã làm gương.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa,  xin cho con biết cám ơn Chúa hằng ngày bằng cả ngày sống của con. Nhờ được kết hiệp với Chúa và được hưởng trọn tình yêu của Chúa, xin cho con biết sống hiệp nhất với tha nhân và chia sẻ tình yêu của con chan hòa đến cho mọi người.

Lẽ sống:
Ve sầu kêu ve ve

"Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn "Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột vỏ, biến thành con ve với hai cánh dài để bay... Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất là đẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư Tuần Thánh. 01.04.2015

PHÚC ÂM:   Mt 26, 14-25
"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18 Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23 Người đáp : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời : “Chính anh nói đó !”

Suy niệm:
 Đừng sinh ra thì hơn

Trong bữa ăn cuối cùng, tâm hồn Chúa Giêsu buồn sầu vì bị người bạn nghĩa thiết phản bội. Chúa bị ruồng bỏ và bị bán rẻ với một giá nô lệ. Ta đừng bao giờ bán rẻ Chúa.
Ngày cuối cùng bên cạnh các môn đệ, có rất nhiều những tình cảm vui buồn lẫn lộn, có rất nhiều những phân vân lo lắng, có rất nhiều những ưu tư hoạch định… Nói chung là những thao thức của Chúa Giêsu. Nhưng thao thức làm cho Chúa đau xé con tim nhân tính của Ngài chính là: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Câu nói này làm cho “các môn đệ buồn rầu quá sức”. Quả thật đây là chuyện động trời. Các môn đệ không thể ngờ một người cùng chia sẻ buồn vui với Thầy, với anh em trong suốt 3 năm trời lại có thể đối xử tệ bạc với Thầy như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đau đớn xác nhận: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).
Đó không phải chỉ là câu chuyện xảy ra cho một mình Giuđa cách đây hơn 2000 năm, mà nỗi đau của Chúa vẫn còn âm ỉ, trái tim Chúa vẫn còn thao thức cho đến tận bây giờ, khi có những người, trong đó có chính bản thân tôi vẫn còn những lần phản bội Chúa. Mức độ không đến nỗi như Giuđa, nhưng ở với Chúa bao lâu nay tôi vẫn ngấm ngầm ý đồ phản bội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nhiều khi đã thực sự phản bội Chúa khi không đi theo đường lối Chúa. Là con cái Chúa nhưng tôi đã không sống đúng với tư cách một người con cái Chúa. Là một gia trưởng, hiền mẫu nhưng tôi sống chưa đúng với một người chồng, người cha, người vợ, người mẹ…
Hậu quả sẽ thật tệ hại nếu tôi không nghe lời nhắc nhở của Chúa, của Hội thánh và của những người xung quanh để quay trở về hiệp thông với Chúa. Có lẽ Chúa cũng sẽ nói với tôi và những ai trong những lần sai lỗi mà vẫn còn cố chấp: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Sống Lời Chúa:
Năm này qua năm khác, bạn có thể che dấu tội lỗi mình với người chung quanh, ngay cả với những người thân trong gia đình hay cộng đoàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không thể nào che dấu trước mặt Thiên Chúa. Ngài biết rõ mọi tội lỗi kín đáo của bạn và đang âm thầm mời gọi bạn hoán cải, nhất là trong Tuần Thánh này.
Trong Tuần Thánh năm nay tôi sẽ nhìn thẳng vào một tội lỗi kín đáo lâu nay của mình, xác tín Chúa biết, đang mời tôi chừa bỏ tội ấy. Tôi sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đau đớn trước sự bội phản của ông Giu-đa, nhưng không từ bỏ ông, trái lại luôn dùng tình yêu thương để mời gọi ông trở lại. Chúng con cảm phục sự khoan dung, nhân hậu của Chúa. Xin cho chúng con thật sự hoán cải, từ bỏ một tội lỗi đang kéo ghì mình xuống, để được thật sự sống lại với Chúa.

Lẽ sống:
Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà
Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết. Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả. Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
    Thứ nhất thì tu tại gia
    Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
    Tu đâu cho bằng tu nhà
    Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ và cách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Công giáo. Xin Chúa ban cho các bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già. Và xin cho mọi gia đình Công giáo luôn biết bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba Tuần Thánh. 31.03.2015

PHÚC ÂM:   Ga 13, 21-33. 36-38
"Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
21 Ðức Giêsu nói thế rồi, tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.  22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Ðức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Ðức Giêsu. 24 Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Ðức Giêsu và hỏi: “Lạy Thầy, ai vậy?” 26 Ðức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simon Ítcariốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Ðức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Ðức Giêsu nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. 31 Khi Giuđa đi rồi, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. 33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Dothái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bấy giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 36 Ông Simon Phêrô nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Ðức Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”. 37 Ông Phêrô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” 38 Ðức Giêsu đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

Suy niệm:
 SỰ PHẢN BỘI

Không gì đau đớn cho bằng bị người thân yêu phản bội. Điều đó giúp ta hiểu nỗi lòng của Chúa Giêsu, Ngài đã xao xuyến khi phải đối diện với sự thật phũ phàng : sự phản bội. Thật xót xa khi thầy trò đang sống trong khung cảnh ấm cúng thân thương, những giây phút ngắn ngủi bên nhau trước giờ chia ly, mà phải nói lên sự thật : một trong anh em sẽ là kẻ nộp thầy ! Và sau đó lại phải tuyên bố với Phêrô: Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần !
Phêrô và Giuđa đều là những tông đồ được Chúa Giêsu thương yêu cách đặc biệt : được giao cho chức vụ Quản lý và được chọn làm Tông đồ trưởng. Nhưng cả hai đã lợi dụng chính tình thương, sự tin tưởng của Thầy để phản bội : sự tham lam và lòng tự mãn. Tiền bạc đã làm mờ mắt lương tri của Giuđa; lòng kiêu hãnh đã khiến Phêrô mất cảnh giác, không thấy được sự bất toàn yếu đuối của chính mình, thiếu lòng cậy trông vào Chúa để rồi sẽ sa ngã cách thảm thương.
Nhưng nguy hiểm hơn là sự cố chấp trong tội của Giuđa. Chúa Giêsu đã tìm mọi cách để kêu mời Giuđa tỉnh ngộ. Trước hết, việc sắp chỗ ngồi trong bữa ăn nói nên sự ưu ái mà Chúa Giêsu dành cho Giuđa. Tại bàn ăn, người Do thái không ngồi thẳng mà họ nằm nghiêng. Bàn ăn giống bộ ván thấp chắc chắn, có ghế dựa chung quanh, theo hình chữ U, chỗ ngồi của chủ nhà ở chính giữa. Mọi người dựa nghiêng tì xuống bên trái, khuỷu tay trái chống xuống băng ghế, tay mặt được tự do lấy thức ăn. Ngồi cách đó thì đầu của một người sẽ nằm đúng vào ngực của người bên trái. Chúa Giêsu chắc đã ngồi chỗ của chủ nhà, ở  chính giữa chiếc bàn thấp. Người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu chắc ngồi ở  bên phải Ngài, vì khi tựa khuỷu tay xuống thì đầu người ấy nằm đúng trên ngực Chúa Giêsu. Giuđa phải ngồi vào chỗ để Chúa Giêsu có thể trò truyện riêng với ông mà các môn đệ khác không nghe được. Nếu đúng như thế, chỉ còn một chỗ độc nhất Giuđa có thể ngồi là bên trái Chúa Giêsu. Cũng như đầu của Gioan vốn tựa nơi ngực Chúa, đầu Chúa cũng gần với ngực của Giuđa. Điều rất ý nghĩa ở đây là, chỗ ngồi bên trái của chủ nhà là chỗ vinh dự tối cao dành cho người bạn thân tín nhất. Hơn thế nữa, việc chủ nhà trao cho khách một món ăn đặc biệt, một miếng chọn ra từ đĩa thức ăn là dấu hiệu chứng tỏ tình thân ái. Giuđa đã được đối xử như thế.  Nhưng tất cả nỗ lực của Chúa Giêsu xem ra thất bại trước tấm lòng cứng cỏi của Giuđa, đến nỗi cuối cùng Ngài đã phải nói với ông : "Giuđa ơi, việc ngươi định làm hãy làm mau đi". Lúc Giuđa nhận mẩu bánh, quỉ nhập vào lòng ông. Thật khủng khiếp khi tiếng gọi của tình yêu thương biến thành động lực của lòng ghen ghét. Đó là việc ma quỉ có thể làm. Nó có thể lấy những điều đẹp đẽ đáng yêu nhất để bẻ cong thành tay sai cho hỏa ngục. Nó có thể lấy tình yêu để biến thành dục vọng, lấy sự thánh khiết để biến thành kiêu ngạo, lấy kỷ luật để biến thành tàn ác gây đau đớn, lấy sự trìu mến biến thành sự dễ dãi gây tai hại. Chúng ta phải thận trọng cảnh giác để ma quỉ không thể lấy những điều đẹp đẽ, đáng yêu nhất để sử dụng cho những ý đồ riêng của nó.
Mỗi người chúng ta hãy đề cao cảnh giác trước những nguy hiểm của chức vụ mà chúng ta lãnh nhận, nó có thể biến chúng ta thành kẻ phản bội, nếu chúng ta không dùng những phương tiện ấy để phục vụ Chúa , phục vụ tha nhân mà chỉ lo vun quén cho bản thân.  Hãy khiêm tốn thấy được giới hạn của bản thân để trông cậy vào Chúa và nghe theo sự hướng dẫn của hội thánh, sự dạy dỗ của vị bề trên, sự góp ý của các bè bạn, nhất là luôn đặt mình sống trong ánh sáng của Lời Chúa để luôn biết tự kiểm xét mình, gạt bỏ đi những tăm tối của dục vọng của đam mê len lỏi phá hoại cả những công việc đạo đức nhất. Sống được như thế, chúng ta sẽ không làm cho Chúa phải đau lòng xao xuyến nữa, mà sẽ trở thành những môn đệ trung tín, vững bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, để cùng Ngài sống lại trong vinh quang.

Lm. Đaminh Trần Công Hiển

Sống Lời Chúa:
Chúa Giêsu loan báo Giu-đa sẽ phản bội. Giu-đa được chia sẻ cuộc sống thân mật với Chúa, và ngay trong bữa ăn cuối cùng, được Chúa nhắc nhở cách tế nhị, Giu-đa vẫn cứng lòng và rắp tâm phản bội. Ta đừng bao giờ phản bội Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đứng trước cuộc sống chung quanh đầy quyến rũ, con đã nhận ra thân phận yếu đuối của con. Con không dám tin ở sức lực riêng con, nhưng con tin ở Chúa, tin ở sức mạnh của ơn Chúa sẽ giúp con thắng vượt tất cả. Xin ban cho con một tình yêu mạnh  mẽ để đừng bao giờ con cứng lòng cố ý phản bội Chúa dù là trong những việc nhỏ mọn.

Lẽ sống:
Chọn lựa

Ðời người là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.
Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ... Sau một ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: "Công việc của ông giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa".
Chọn lựa và quyết định là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.
Thú vật dường như không có chọn lựa và quyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản năng. Con chim có thể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.
Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa... Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa phải bận tâm?".
Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người. Thiên Chúa đã yêu thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài... Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai Tuần Thánh. 30.03.2015

PHÚC ÂM:   Ga 12, 1-11
"Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5 "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? " 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." ( c 1-8 )
9 Một đám đông người Do Thái biết Đức Giêsu đang ở đó. 10 Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 11 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu.

Suy niệm:
 Xức dầu chân Chúa

Tính ích kỷ và lòng tham lam khiến chúng ta chỉ nghĩ đến mình, tính toán hơn thiệt với Chúa. Nhưng lòng bác ái và tình yêu thương sẽ dẫn ta đến với Chúa và gần gũi anh em.
Thầy trò sống thân thiết gắn bó với nhau như "bát nước đầy", còn mấy ngày nữa đâu, còn nhiều thời gian cho nhau nữa đâu mà người môn đệ thân yêu nỡ tiếc xót với Thầy mấy quan tiền nhỏ mọn. Tình với nghĩa mà hẹp hòi vậy sao? Ðời bạc bẽo và cay đắng vậy sao?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được dịp nhìn thấy thái độ bênh vực người nghèo của tông đồ Giuđa phản bội Chúa. Giuđa tuyên bố như thể mình muốn phục vụ người nghèo, nhưng thực ra chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư.
Nhưng về phần Maria, bà không thuộc nhóm 12 tông đồ được chọn sống luôn bên cạnh Chúa để lắng nghe Ngài chỉ dạy, nhưng Maria đã hướng về Chúa với hết tâm hồn của mình và đã thực hiện một việc được Chúa xem như là có giá trị tiên tri loan báo mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Trong khi đó thì Giuđa Iscario, một trong số 12 tông đồ đã được chọn lại có tâm địa khác, ông chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư. Ông sống bên cạnh Chúa nhưng đã không thực sự gặp được Ngài.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã lưu ý đến những người con tinh thần như sau: Lâu nay, cha thấy con đi kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không gặp Chúa, không suy tư với Chúa, không đối thoại với Chúa, không hành động với Chúa. Con không an vui trong tâm hồn và con dấn thân một mình ngoài Chúa. Con đã mời Chúa lui về nhà thờ. Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội là nguyên tố tai hại nhất trong thời đại chúng ta. Cả cuộc sống con phải loan truyền và tuyên xưng với hết tâm hồn thống hối và yêu thương. Và với một hành động mà người ngoài có thể cho là một hành động điên khùng uổng phí, nhưng trước mặt Chúa, đó là một hành động nêu gương sáng cho kẻ khác.

Sống Lời Chúa:
Quảng đại chia sẻ của cải vật chất, để xoa dịu bớt nỗi đau thương và thiếu thốn của đồng loại và hãy làm mọi việc vì lòng yêu mến.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin thánh hóa con, giúp con tránh xa những quyến rũ của dục vọng, bớt đi những tiệc tùng xa hoa, bớt rượu chè cờ bạc, bớt tích góp cho mình. Xin giúp con biết san sẻ cho đời, không chỉ là tiền bạc mà còn chia sẻ chính tấm lòng yêu thương. Vì con đường dẫn tới anh em cũng chính là con đường dẫn con đến với Chúa.

Lẽ sống:
Chết thay cho người

Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuật này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thân quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".