Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy sau Chúa nhật IV Thường Niên năm B. 07.02.2015

Thánh Co-lê-ta, trinh nữ, dòng II - lễ nhớ
PHÚC ÂM:   Mc 6,30-34
“Họ như bầy chiên không người chăn dắt.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm:
Cơ thể con người cần theo một nhịp điệu cố định: lao động miệt mài rồi nghỉ ngơi, thư giãn. Mải mê làm việc mà không nghỉ ngơi sẽ sớm bị kiệt sức: đã có những người Nhật gục chết trên bàn giấy vì làm việc quá độ. Trái lại, chỉ biết thư giãn, rong chơi mà không làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đời mình trở nên vô nghĩa. Trong đời sống thiêng liêng, người môn đệ Chúa Ki-tô cũng có một nhịp điệu nền tảng: ở với Chúa va được sai đi, rồi về lại bên Chúa và nghỉ ngơi. Nhịp điệu ấy được chính Thầy Giêsu truyền lại cho các môn đệ khi các ông qui tụ quanh Ngài để tường trình chuyến thực tập truyền giáo thành công. Đó cũng là một nhịp điệu theo vòng tròn đồng tâm, vì trung tâm và động lực của mọi sinh hoạt đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô.
Trước hết chúng ta luôn ý thức, Đức Giêsu Kitô là trung gian tuyệt vời để dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha. Vì vậy, việc thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa phải qua trung gian Đức Kitô như tác giả bài đọc một diễn tả: ‘Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh’ (Dt 13,15). Việc thờ phượng cần biểu lộ qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ của cộng đoàn cũng như cá nhân.
Ngoài ra, chủ chăn giúp con người có cơ hội đến với Thiên Chúa qua việc bác ái: ‘Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế’ (Dt 13,16). Để mọi người có thể đến gần Thiên Chúa, các tín hữu biết vâng lời chủ chiên dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần: ‘Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa’ (Dt 13,17).
Tiếp đến chúng ta phải thi hành thánh ý Thiên Chúa qua lời của Ngài, qua các Tiên tri và giáo huấn của Giáo Hội. Tại sao phải thi hành thánh ý Ngài? Bởi vì, đây là con đường dẫn đưa chúng ta đến với hạnh phúc thật. Đức Kitô là người thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong mọi sự, kể cả cái chết để đưa chúng ta đến cuộc sống muôn đời: ‘Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu’ (Dt 13,21).

Sống Lời Chúa:                                 
Cuối một ngày, cuối một tháng, ngày cuối năm là cơ hội thuận tiện tôi dành ít thời gian nhìn lại, lượng giá hoạt động của mình và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con tìm về lại bên Chúa những lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh giúp con bước tiếp hành trình sứ mạng.

Lẽ sống:
Một lý tưởng để đeo đuổi

Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitô hay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét