Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Lời Chúa: thứ Tư XXXIV Thường Niên Năm A. 26.11.2014

Thánh Lê-ô-na-đô thành Póc-tô Mô-ri-cô, linh mục, Dòng I - lễ nhớ
Phúc Âm: Lc 21,12-19
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Suy niệm:
Lịch sử nhân lọai đã nhiều lần chứng minh chân lý: “Gian khổ tạo anh hùng.” Bên Tây Phương có A-lịch-sơn Đại-đế, bên trời Nam chúng ta có Đại-vương Nguyễn Huệ. Các vị này đã nằm gai nếm mật trước khi chiến thắng quân thù và lưu danh cho hậu thế. Nhà chiến sĩ Nguyễn Thái Học thách thức mọi người phải biết chấp nhận gian khổ: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Một khi đã nhận ra chân lý, người anh hùng phải biết chấp nhận gian khổ để sống cho chân lý đó. Việt Nam ta có tấm gương anh dũng của anh hùng Trần Bình Trọng, khi bị bắt và dụ để làm quan cho địch, đã can đảm thốt lên câu: “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” 
Đối với Các Kitô hữu là những người theo chân Chúa, cũng phải chịu một số phận tương tự như Chúa đã báo trước: “Tôi tớ không trọng hơn chủ; nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Jn 15:20). Hơn nữa, theo Mối Phúc thứ 8, “Người có phúc là người bị bắt bớ vì Nước Trời” (Mt 5:11-12).

Các Bài đọc hôm nay đều khuyên con người phải kiên trì chịu đựng đau khổ; vì chỉ có những ai kiên trì bền vững tới cùng, những người đó sẽ được cứu thoát. Bài đọc I của Sách Khải Huyền tiên báo các tai ương sẽ xảy ra trước và trong Ngày Phán Xét; nhưng như Đức Kitô đã chiến thắng khải hòan, những người tin vào Ngài cũng sẽ chiến thắng vẻ vang như vậy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước: các môn đệ của Ngài sẽ bị bắt bớ, nhưng Ngài sẽ luôn ở cùng họ, để giúp họ chịu đựng gian khổ và chiến thắng.

Sống Lời Chúa:
Gian khổ phải có trong cuộc đời để tinh luyện con người, để phân biệt người anh hùng với kẻ tiểu nhân; và nhất là để chúng ta chứng tỏ đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa. Khi phải đương đầu với gian khổ, chúng ta không chiến đấu một mình. Chính Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ cùng chúng ta chiến đấu. Sự khôn ngoan và sức mạnh để chiến đấu đến từ Đức Kitô. Chúa Giêsu bảo đảm sự chiến thắng sẽ về tay chúng ta vì một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được Thiên Chúa đếm.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp chúng con luôn tin vào quyền năng của Chúa, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cử cảnh huống nào của cuộc đời.

Lẽ sống:
Vui với người vui, khóc với kẻ khóc

Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niệm mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về,

ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.

Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào. Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"
Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây. Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.
Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập.
Trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.
Thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.
Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài: "Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống ở địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là: "Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét