Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Lời Chúa: thứ Ba XXXI Thường Niên Năm A. 04.11.2014

Thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục - lễ nhớ
Phúc Âm: Lc 14,15-24
“Hãy ra các ngả đường, ép người ta vào đầy nhà cho ta.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
15 Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su rằng : “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa !” 16 Người đáp : “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. 17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng : ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ 18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói : ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; cho tôi xin kiếu.’ 19 Người khác nói : ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây ; cho tôi xin kiếu.’ 20 Người khác nói : ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’ 21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng : ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ 22 Đầy tớ nói : ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ 23 Ông chủ bảo người đầy tớ : ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. 24 Tôi nói cho các anh biết : Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi’.”

Suy niệm:
Ngày nay, sự dửng dưng vô cảm với bàn tiệc Nước Trời vẫn còn đó nơi người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, không lạ gì khi vẫn có những người thích ăn chơi, nhậu nhẹt, chè chén say xưa; hay vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời nên không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy, nên người ta dễ bỏ qua việc đi lễ, đọc kinh và những việc bác ái, đạo đức thường ngày... Chúng ta nhiều khi sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự! Ôi thật là một sự giả hình!
Dự tiệc là cả một niềm vui và vinh dự,  Vui là vì cùng được gặp gỡ được nhiều người và được nới rộng quan hệ quen biết; vinh dự là được mời và được ngồi chung bàn với đủ mọi hạng người. Niềm vui và vinh dự khi con người được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa thì đó là một Đại Phúc

Sống Lời Chúa:
+ Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời, nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các Bí-tích để lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị loại ra ngoài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Dự tiệc trong Nước Trời là cùng đích của chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được hưởng phúc lộc này của Chúa.

Lẽ sống:
Quo Vadis, Domine?
(Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?)

Ðêm trước ngày vào cơ mật viện để bầu Giáo Hoàng, Hồng Y Karol Wojtyla đã chuẩn bị hành lý để trở về Krakow, tổng giáo phận của ngài. Thế nhưng, ngài đã không trở lại Krakow nữa? Ngày thứ hai, 16 tháng 10 năm 1978, vị Hồng Y 58 tuổi này đã được bầu làm Giáo Hoàng và lấy tên là Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Ba Lan, là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Italia kể từ 450 năm qua, và tính từ 150 năm trở lại, thì ngài là vị Giáo Hoàng trẻ nhất. Trong khi chuẩn bị cho bài giảng Chúa Nhật đầu tiên kể từ lúc được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến tác giả của quyển tiểu thuyết giả sử nổi tiếng "Quo vadis, Domine?" là ông Henryk Sienkiewicz, một văn sĩ và đồng thời cũng là một nhà ái quốc Ba Lan? Qua tác phẩm này, vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã so sánh tâm tình của mình với vị Giáo Hoàng đầu tiên là thánh Phêrô như được ghi lại trong tác phẩm "Quo vadis, Domine?", "Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?". Theo tác giả quyển tiểu thuyết giả sử, thì có lẽ thánh Phêrô thích ở lại quanh quẩn bên bờ hồ Genezareth hơn là đến giữa trung tâm của đế quốc La Mã để gặp không biết bao nhiêu chống đối và bách hại. Giữa lúc vị Giáo Hoàng đầu tiên toan tình trốn khỏi La Mã để trở về quê hương mình, thì ngài gặp lại Chúa Giêsu hiện ra đang đi ngược chiều với ngài. Ngạc nhiên về sự xuất hiện của Chúa, thánh Phêrô đã hỏi: "Quo vadis, Domine?" nghĩa là "Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?". Và Chúa Giêsu đã trả lời như sau: "Ta đang đi đến La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa". Hiểu được ý Chúa, Phêrô đã quay trở lại La Mã và ngài ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh. 
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Carolô Borremêô và mừng bổn mạng một cách đặc biệt của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Mãi mãi tên Carolô gắn liền với tên tuổi và vận mệnh của Ðức Thánh Cha. Hơn ai hết, ngài phải là người kính nhớ và ghi ơn vị thánh bổn mạng nhiều nhất. Tên thánh được đặt cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa đánh dấu sự đổi đời quan trọng của chúng ta. Từ cái chết trong tội lỗi, chúng ta được tái sinh trong sự sống của Chúa. Hướng đi của chúng ta phải là hướng đi tới Chúa, không thể là bước thụt lùi.
Mang lấy tên thánh Carolô, Wojtyla đã quyết tâm hướng cuộc đời của mình tiến tới trong phục vụ và hy sinh như như chính thánh giám mục Carolô Borremêô. Và khi chọn lấy danh hiệu mới là Gioan Phaolô, vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quyết tâm tiến tới trên con đường mà hai vị tiền nhiệm của mình đã vạch ra... Là người Kitô, chúng ta cũng luôn được mời gọi tiến tới không ngừng trên đường theo chân Chúa Giêsu. Tên thánh mà chúng ta mang lấy trong ngày Rửa Tội, danh hiệu Kitô mà chúng ta được đặt cho phải luôn luôn là một nhắc nhở chúng ta về con đường tiến lên ấy. Chắc chắn con đường ấy không là một con đường rộng thênh thang. Sự tiến lên ấy không là một đà tiến dễ dàng. Phêrô đã quay trở lại La Mã để chịu đóng đinh... Thập giá có lẽ đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hãy hiên ngang tiến bước vì đó chính là hướng đi của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét