Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Lời Chúa: thứ Bảy XXXI Thường Niên Năm A. 08.11.2014

Phúc Âm: Lc 16,9-15
“Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ? 13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” 14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ : “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Suy niệm:
Người ta nói đùa rằng: “Tiền không quan trọng nhưng những vấn đề quan trọng đều giải quyết bằng tiền.” Rõ ràng tiền là một trong những thứ cần thiết nhất trong cuộc sống con người. Tiền tự nó không xấu, không tốt: Tốt hay xấu là tùy ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Cho nên, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su không lên án tiền của, cũng chẳng bác bỏ sự giàu sang. Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng tiền bạc: đừng coi trọng tiền bạc hơn Chúa, đừng ảo tưởng có thể vừa thờ Chúa vừa gắn bó với tiền của. Trái lại, hãy dùng tiền của “mua” lấy tình bằng hữu trong đời sống hôm nay, để rồi mai ngày ta sẽ được đón rước vào nơi hạnh phúc vĩnh cửu.
Nếu có của, có tiền dư giả mà cho thì đã đành. Nhưng ngay cả khi minh đang thiếu thốn, hoặc chỉ vừa đủ cho mình, liệu lúc đó mình có đủ can đảm để cho đi.

Ngày nay người ta thường cho đi với hậu ý đằng sau
ü Các diễn viên, ca sĩ Việt Nam ngày nay đang đua nhau làm từ thiện. Họ cũng cho đi đấy chứ. Nhưng lúc họ cho đi, thì có cả một đoàn phóng viên đã được bố trí sẵn để chụp hình quay phim ? Để làm Gì ? Và đấy có phải là cho đi. Có hạnh phúc không với những kiểu cho đi này ? Câu trả lời là có. Nhưng hạnh phúc của họ là thứ hạnh phúc quá rẻ tiền vô giá trị. Vì mượn sự đau khổ của kẻ khác để đánh bóng mình.
ü Có nhiều tâm hồn đã biết cho đi trong âm thầm: Mỗi lần cho đi họ thêm một lần đối đầu với gian nan thiếu thốn. Mỗi lần cho đi là họ cảm thấy lo lắng thêm vì gia tài họ chỉ có vậy, nhưng lại dám can đảm cho đi. Hạnh phúc đang được họ gieo trồng và hôm nay vẫn ẩn sâu trong đau khổ, trong lo âu. Mai này xuôi tay, giàu có ,nghèo hèn như nhau trước toà Thiền Chúa. Lúc đó ai sẽ hạnh phúc?
ü Giúp đỡ ai đó vượt qua nỗi đau, thoát cơn túng thiếu nợ nần là đang  chắp cho mình đôi cánh để bay thẳng tới niềm hạnh phúc vĩnh hằng. Vâng "Cho đi là nhận lãnh - Quên mình sẽ gặp lại bản thân”.

Hãy học cho biết cách dùng tiền của đời này
ü Biết dùng tiền của: Người biết dùng tiền của sẽ không tiêu xài hoang phí vào những việc không cần thiết, nhưng biết dùng tiền để sinh ích lợi cho chính mình và cho người khác như:
1.     dùng tiền của để trau dồi các tài năng cần thiết cho cuộc sống như sách vở, học hành; hay có thể cho những người cần dùng nó bằng cách cung cấp học bổng hay các công trình nghiên cứu có lợi cho gia đình nhân loại.
2.     dùng tiền của để giúp đỡ người nghèo khó: Tin Mừng Matthêu, chương 25 dạy: Những gì chúng ta làm cho những người khốn khổ là làm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng tái xác nhận điều này: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”
ü Hãy chứng tỏ lòng trung tín với Thiên Chúa qua việc dùng tiền của: Cuộc đời là bãi chiến trường để học hỏi và thử nghiệm, nó cũng là dịp để Thiên Chúa đánh giá con người:
1.     qua sự trung tín trong việc nhỏ: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”
2.     qua sự trung tín trong việc dùng những của cải bất chính: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”
3.     qua sự trung tín trong việc dùng của cải người khác: của đau con xót, con của mình đau hơn con của người: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”
ü Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Không giống như thời đại ngày nay, người nô lệ hay gia nhân thời xưa chỉ có thể phục vụ một chủ mà thôi.
1.     Cho dẫu ngày nay con người có thể làm tôi hai chủ, mức độ trung thành với hai chủ không bằng nhau: hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.
2.     Cũng vậy trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Rất nhiều người suy nghĩ ngược lại với Chúa Giêsu: họ nghĩ họ có cách để phục vụ cả hai một lúc. Một ví dụ điển hình là người Pharisêu: “họ vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.” Có những người vì ham hố kiếm tiền nên đã không còn thời giờ cho Thiên Chúa, ngay cả việc đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.

Sống Lời Chúa:
+ Chúng ta phải biết sử dụng của cải Chúa ban đời này để sinh lợi ích cho mình và tha nhân, như chia sẻ, giúp đỡ một người nghèo, một gia đình gặp hoạn nạn, hoặc những hoàn cảnh túng thiếu, nợ nần cần sự giúp đỡ… với số tiền hợp khả năng của mình, để mua lấy phần thưởng Nước Trời mai sau.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, mọi sự trên đời này đều bởi Chúa mà ra, và những gì con có được hôm nay cũng là của Chúa ban. Xin Chúa cho con biết dùng những của cải Chúa ban để phục vụ việc xây dựng Nước Chúa, sinh ích cho anh chị em chung quanh con, đặc biệt là gia đình con.

Lẽ sống:
Tôi là người hạnh phúc nhất trần gian

Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ: bây giờ ta mới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn vẹn một con chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất. Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm lòng yêu thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian". Một thời gian sau đó, trong vùng, có một người tá điền nghèo bị người chủ đe dọa lấy nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và 7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người tá điền nghèo... Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy đi một nơi khác.
Bùi ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này".
Câu chuyện của ông vua đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi cuộc đời của chúng ta... Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy bằng chính Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét