Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật XXVII Thường Niên 05.10.2015

PHÚC ÂM: Lc 10,25-37
"Ai là anh em của tôi?" (Lc 10,29).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." 
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30 Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Suy niệm:
Người Samaritanô nhân hậu

Một phóng viên nọ muốn biết cách đối xử với con người thế nào, ông đã giả vờ làm người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Nhiều người đã đi qua..., cuối cùng có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện thoại cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình, nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế: bàn tay của mình đưa ra để mong tìm được sự nâng đỡ của người khác mà không gặp được.
Người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.

Sống Lời Chúa:
Đức mến phải phát xuất từ tấm lòng của từng con người, phải thiết thực và hữu hiệu. Người Samari đã dừng lại, băng bó vết thương, thanh toán mọi chi phí cho chủ quán.  Ông không cần tìm hiểu xem đây phải chăng là mộtngười Do Thái, tức mộtkẻ thù không đội trời chung. Ông chỉ cần biết đây là một người đáng thương cần được cứu giúp, và ông đã cứu giúp.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của anh em đồng loại, lòng bác ái vị tha, không ích kỷ trục lợi.

Lẽ sống:
Chiếc quan tài con

Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: "Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay".
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá... Trong tất cả mọi sự, người khôn ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét