Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B. 25.10.2015

Phúc Âm : Mc 10,46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". (Lc 10,51)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : "Gọi anh ta lại đây !" Người ta gọi anh mù và bảo : "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !" 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?" Anh mù đáp : "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói : "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Suy niệm:
Linh Mục Ðời Ðời

"Hỡi Con Vua Ðavít..."
Thành phố Giêrusalem bị vua Babylone triệt hạ năm 587 trước kỷ nguyên. Dân chúng, lớp thì trốn được, lớp phải lưu đày sang Babylone. Chỉ còn lại một thiểu số sống sót còn giữ đạo đức, còn nhớ lại mối giao ước của cha ông. Giêrêmia kêu gọi họ giữ vững niềm tin chờ ngày cứu thoát. Ðấng Messia sẽ đến mang lại ơn cứu độ. Họ sẽ trở về xây lại. Nhà Tiên Tri ám chỉ đoàn dân mới của Chúa. Giáo Hội của Chúa cũng sẽ trải qua những thử thách điêu linh. Nhiều người sẽ bỏ cuộc, một số khác sẽ trở nên chống đối. Nhưng rồi Chúa gìn giữ Giáo Hội, một phần tử nhỏ sẽ còn lại như muối ướp, như đèn soi, xây dựng Giáo Hội tương lai. Thật là một cảnh vui mừng.
Thánh Thư Hêbrêô tiếp tục suy niệm về Chúa Kitô là linh mục đời đời, mẫu gương của các linh mục của Chúa. Họ xuất phát từ loài người, có những nỗi vui mừng, đau khổ của con người; họ có những yếu đuối của con người, nên "vì yếu đuối, người cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình, cũng như cho dân chúng" (Heb. 5,1-3).
Nhưng linh mục là người của Thiên Chúa, để phụng sự Thiên Chúa, người được chọn từ trên, để tiếp tục quyền Tư Tế của Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay kể lại câu chuyện của ông Bartimê được Chúa cho sáng mắt, dưới ngòi bút linh động của Marcô. Ông Bartimê là một con người dễ thương mà có lẽ trong cộng đoàn tiên khởi không ai là không biết như một nhân chứng quyền năng và tình thương của Chúa còn sót lại.
Bartimê là một người mù, "ngồi ăn xin bên vệ đường" như bao nhiêu người khác. Hiện nay trên thế giới, có khoảng 40 triệu người mù. Anh sống trong đêm tối, nhưng rồi anh được diễm phúc gặp Chúa Giêsu và phép lạ đã xảy ra.
Trong một cuộc hành hương viếng Thánh địa, tại Caphanaum, nơi xảy ra phép lạ này và nay chỉ còn lại một số nóc nhà ngư phủ lẻ tẻ, trong phái đoàn hành hương, có một cô thiếu nữ mù cùng đi. Người ta đọc lại đoạn Phúc Âm này và hỏi cô gái hồn nhiên cởi mở: "Cái gì làm cho cô hối tiếc hơn cả?" Cô thiếu nữ trả lời: "Là không được nhìn thấy đôi mắt của mẹ tôi và các ngôi sao trên trời!"
Người mù sống trong đêm tối, bên lề xã hội, luôn luôn có mặc cảm phải lệ thuộc người khác.
Nhưng Chúa Giêsu thương mến họ, đến với họ, qua những tâm hồn từ thiện đầy bác ái; Chúa còn đến với họ ngày nay. Bartimê "ngồi bên vệ đường" ăn xin. Mắt không thấy, nhưng tai vẫn nghe rõ những động tĩnh xung quanh. Biết rằng Chúa Giêsu đi qua, anh càng kêu to: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Người ta ngăn cản, anh càng kêu to hơn. Chúa Giêsu lại gần anh. Anh sung sướng, liệng áo, đứng dậy, đến cùng Chúa. Và Chúa đã mở mắt anh ra. Khuôn mặt đầu tiên, con mắt anh được nhìn thấy là Chúa Giêsu. Hai khuôn mặt, hai ánh mắt gặp nhau! "Lạy Thầy, xin cho con được sáng". Thì này, anh được sáng, được thấy chính Thiên Chúa: mắt trong mắt. Trong Cựu ước, bao nhiêu người mong ước được thấy Chúa "mặt trong mắt" (Is 52,8), thì Thiên Chúa đã đáp lại mối mong ước: "Ai xem thấy Ta là xem thấy Cha Ta". Và họ đã vui mừng sung sướng biết chừng nào! "Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha" (Gio 1,140). Marcô không muốn chỉ tường thuật một phép lạ mà còn muốn đi xa hơn nữa, muốn ám chỉ việc Chúa đến để thắp sáng đời anh mù bằng nhân đức tin. Vì thế, Chúa phán: "Ðức tin của con đã cứu con".
Muốn thấy Chúa, cần phải có nhân đức tin. Ðức tin mở mắt chúng ta để nhìn thấy Chúa. Có bao nhiêu người sáng mắt, nhưng mù tối linh hồn. Trên con đường Damas, Saolê đi lùng bắt giáo hữu. Chúa hiện ra với Saolê. Ông ngã ngựa, đứng lên thì bị mù mắt cho đến khi vào thành Damas, chịu phép rửa tội. "Một cái gì, như những cái vảy bong ra và Phaolô được nhìn thấy" (Cv 9,18). Ðức tin mở mắt tâm hồn. Vì thế, giáo hữu thời xưa, gọi phép rửa là "phép thắp sáng" (Illuminatio). Và từ đây, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu. Thánh Ignatiô thành Antiochia nói: "Với đức tin, tôi được thấy và sờ đụng Ngài".
Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, đã được Chúa đến thắp sáng đời ta, thì phải làm gì? Phải bắt chước anh Bartimê. Phúc âm nói: "Anh đã đi theo Chúa", làm chứng nhân quyền năng và tình thương của Chúa. Ðó cũng là bổn phận của chúng ta sống theo đức tin và đi thắp sáng cuộc đời cho người khác. Thánh Phanxicô Salesiô có một đức tin mạnh mẽ, nhất là đối với phép Thánh Thể. Ngài hằng rao giảng cho giáo dân vùng Chablais (Thụy Sĩ) đang bị ảnh hưởng nặng của ly giáo Calvinô. Mỗi buổi tối, ngài hay đến trước nhà chầu sốt sắng cầu nguyện. Một hôm, đang mê say cầu nguyện thì có tiếng ai đi lại trong nhà thờ. Tưởng là kẻ trộm, ngài lên tiếng hỏi: "Ai?" Một bóng người lạ đi tới và nói: "Thưa Ðức Giám Mục, con là người không có đạo. Con nghe Ðức Cha giảng nhiều lần về Chúa Giêsu trong Thánh Thể, con không tin. Chiều hôm nay, con lẻn vào nhà thờ rình xem thái độ Ðức Cha như thế nào. Con thú thực, đã nhìn thấy đức tin của Ðức Giám Mục. Giờ đây con xin tin.
"Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy" (Mc 46,51).

Linh Mục Hồng Phúc, CSsR


Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con có được niềm mạnh mẽ và sâu xa vào Chúa để đời sống của con được biến đổi và được cứu chữa khỏi mọi tội lỗi.

Lẽ sống:
Con Chim Sáo

Trong một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để sống", Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: "Có chứ!... Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu".
Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: "Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời: "Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà...". Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?".
Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt... Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: "Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?".
Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót".
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực. Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét