Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật XV Thường Niên 17.07.2015

PHÚC ÂM: Mt 12,1-8
"Con Người cũng là chủ ngày sabbat".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !" 3 Người đáp : "Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. - 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."

Suy niệm:
Ta muốn lòng nhân

Khi ấy vào ngày sa bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sa bát!” (Mt. 12, 1-2)
Trong suốt dòng lịch sử Do Thái, chúng ta nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa như một người cha luôn tận tình nhẫn nại đào luyện một dân tộc để họ ngày càng trở nên tốt hơn. Thiên Chúa luôn mong muốn dân Do Thái trở nên những người con hiểu lòng Cha họ và sống giống Cha là Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã thất bại nhiều hơn là thành công. Nhiều người Do Thái đã không trở thành những đứa con ngoan thật sự. Đáng buồn hơn nữa, chính những thành phần lãnh đạo trong dân là những nhà biệt phái luật sĩ lại giữ luật một các giả hình, vụ lợi. Họ đặt thêm nhiều khoản luật chi li, tỉ mỉ để cho người dưới giữ mà bản thân họ thì không giữ.
Đó cũng là lý do họ bắt bẻ những người môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa ăn trong ngày sabat. Chỉ vì luật do mình bịa đặt ra, họ đã cấm cả những hành vi được phép làm và coi trọng luật lệ hơn tình thương dành cho tha nhân.
Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra trong Cựu Ước liên quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Vả lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức không còn là một cái gì tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng hơn Ðền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận điều này.

Sống Lời Chúa:
+ Thái độ sống của các luật sĩ, biệt phái nhắc chúng ta nhìn lại thái độ sống của chính minh. Ta tha thiết cầu xin Chúa Giêsu giúp ta luôn là những người coi trọng tình mến chân thành.
+ Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường. Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân. Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử? Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân, dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân” (Luận Ngữ, IV, 5).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con vượt qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin cho chúng con tâm hồn nhân từ như Chúa để biết đối xử với người khác mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Lẽ sống:
Ðiều quý giá nhất trên đời

Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.
Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.
Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.
Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Ði tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.
Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: "Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đa tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy".
Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: "Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Ðấng đi tìm tôi".
Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ... Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con người.
Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét