Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật XIII Thường Niên 03.07.2015

THÁNH TOMA TÔNG ĐỒ. Lễ kính
PHÚC ÂM: Ga 20,24-29
"Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp : "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em." 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" 29 Đức Giê-su bảo : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !"

Suy niệm:
Biết nhận ra ơn Chúa bằng đức tin

“Đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin” (Thánh Augustinô).
Tôma không ở với các tông đồ khác khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra lần đầu với các ông. Vì thế, sau đó Tôma từ chối không tin Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết.
Nhắc đến Tôma, ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh của môt người kém tin, cứng tin. Trước lời chứng của các Tông đồ về việc Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với họ, Tôma vẫn cứng tin, đòi kiểm nghiệm thực tiễn bằng chính mắt mình, tay mình. Chính Đức Giêsu Phục sinh lại hiện đến, cách riêng cho Tôma, và sẵn sàng để ông kiểm chứng bằng giác quan của ông.
Như Tôma, nhiều khi tôi trở nên cứng tin trước những mầu nhiệm về Thiên Chúa, muốn tìm kiếm, muốn đụng chạm đến Chúa bằng trí khôn hạn hẹp, đầy giới hạn của con người.
Người Kitô hữu chúng ta phải luôn đi ngược dòng: điều người đời cho là yếu hèn, có lẽ chúng ta cho là mạnh mẽ. Điều người đời cho là dại khờ, có lẽ chúng ta phải cho là khôn ngoan. Thập giá đối với kẻ không tin là dại khờ nhưng đối với những kẻ tin lại là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã chẳng nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Người Kitô hữu chúng ta có phúc vì chúng ta không được may mắn như các tông đồ xưa thấy Chúa phục sinh hiện ra, nhưng chỉ nhờ lời chứng của các tông đồ và nhờ Kinh Thánh, huấn quyền, chúng ta tin vào sự phục sinh của Chúa.

Sống Lời Chúa:
Đức tin đòi hỏi sự khiêm tốn và phó thác hoàn toàn vào Thiên chúa. Tin tưởng và phó thác vào bàn tay uy quyền của Chúa, cộng tác với Chúa, chắc chắn phép lạ sẽ xẩy ra.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho con để con luôn vững tin tưởng vào Chúa và sẵn sàng đến với anh chị em bằng đức tin của mình.
   
Lẽ sống:
Vị tiên tri cô độc

Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: "Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường. Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...
Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.
Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại... buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...
Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.
Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ..."
Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...
Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôi không kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng... Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối... Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... 
Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chúng ta chỉ là một thiểu số cô độc. Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét